Thực hiện "3 đột phá" (tập trung hoàn thiện thể chế; tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy, nhất là các đơn vị sự nghiệp công lập và thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế; sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã) và "4 trọng tâm" (công vụ, công chức; cải cách hành chính; thanh tra, pháp chế; thực hiện chuyển đổi số của Bộ, ngành Nội vụ), từ đầu năm đến nay, toàn ngành Nội vụ đã triển khai đồng bộ, hiệu quả, chất lượng, phát huy tinh thần chủ động, tích cực, gắn trách nhiệm người đứng đầu và thể chế hóa đến từng cá nhân trong việc tham mưu, thực hiện nhiệm vụ.
Ngay từ đầu năm, Bộ Nội vụ và các địa phương đã xác định công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi, là nhiệm vụ chính trị quan trọng phải ưu tiên, tập trung nguồn lực để thực hiện; theo đó đã đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách pháp luật quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khai thông những điểm nghẽn trong quá trình tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật ngành Nội vụ.
7 tháng năm 2023, Bộ Nội vụ đã tham mưu trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, ban hành 4 văn bản, đề án; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 11 nghị quyết về thành lập, nhập, điều chỉnh địa giới hành chính của một số địa phương và Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.
Bộ trình Chính phủ xem xét dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) và ban hành 5 nghị định, 2 nghị quyết; Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành theo thẩm quyền 11 thông tư, 2 văn bản hợp nhất.
Riêng trong lĩnh vực quản lý cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Nội vụ đã nghiên cứu rà soát, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có nhiều nội dung đổi mới cơ chế về tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức như đề xuất bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, phân cấp thẩm quyền tổ chức thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, triển khai quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
Đảm bảo đời sống cán bộ, công chức, viên chức
Đáng chú ý là Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 33/2023/NĐ-CP quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố (thay thế 4 nghị định của Chính phủ và các quy định của pháp luật có liên quan, gồm: Nghị định số 114/2003/NĐ-CP, Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, Nghị định số 112/2011/NĐ-CP, Nghị định số 34/2019/NĐ-CP). Nghị định này được ví như cơn mưa rào "giải nhiệt" cho "cơn khát" cán bộ, công chức cấp xã đã gây rất nhiều khó khăn cho các địa phương thời gian qua, bảo đảm tốt hơn đời sống của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố.
Nghị định bổ sung quy định tăng thêm (không khống chế tối đa) số lượng công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở đơn vị hành chính cấp xã có quy mô dân số, diện tích tự nhiên cao hơn so với tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15). Theo quy mô dân số, phường thuộc quận, cứ tăng thêm đủ 1/3 mức quy định được tăng thêm 1 công chức và 1 người hoạt động không chuyên trách. Các đơn vị hành chính còn lại, cứ tăng thêm đủ 1/2 mức quy định được tăng thêm 1 công chức và 1 người hoạt động không chuyên trách.
Theo diện tích tự nhiên, ngoài việc tăng thêm công chức và người hoạt động không chuyên trách theo quy mô dân số nêu trên, mỗi đơn vị hành chính cấp xã cứ tăng thêm đủ 100% mức quy định được tăng thêm 1 công chức và 1 người hoạt động không chuyên trách.
Về số lượng người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, do thôn, tổ dân phố là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư, không phải là một cấp chính quyền, vì thế, Nghị định tiếp tục quy định 3 chức danh người hoạt động không chuyên trách (gồm Bí thư chi bộ, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận) và những người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố. Đồng thời, phân cấp cho UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quy định cụ thể chức danh, số lượng người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố thuộc phạm vi quản lý cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Nghị định quy định tăng mức khoán quỹ phụ cấp người hoạt động không chuyên trách ở mỗi đơn vị hành chính cấp xã loại I - II - III tương ứng từ 16,0 - 13,7 - 11,4 lần mức lương cơ sở lên 21 - 18 - 15 lần mức lương cơ sở (tăng trung bình từ 1,14 lần mức lương cơ sở/1 người lên mức 1,5 lần mức lương cơ sở/1 người). Ngoài mức khoán quỹ phụ cấp này, những đơn vị hành chính cấp xã có quy mô dân số, diện tích tự nhiên cao hơn so với tiêu chuẩn quy định được tăng thêm người hoạt động không chuyên trách, cứ tăng 1 người hoạt động không chuyên trách so với quy định được tăng quỹ phụ cấp khoán 1,5 lần mức lương cơ sở/1người tăng thêm.
Tăng mức khoán quỹ phụ cấp từ 3,0 - 5,0 lần mức lương cơ sở đối với mỗi loại thôn, tổ dân phố hiện nay lên mức 4,5 - 6,0 lần mức lương cơ sở. Đối với đơn vị hành chính cấp huyện không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã, thôn, tổ dân phố được xác định theo đơn vị hành chính cấp huyện đó.
Trước tình hình nhiều cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, nghỉ việc do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân tiền lương thấp, để bảo đảm đời sống của người lao động, tránh "chảy máu chất xám" trong khu vực công, Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2023/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, trong đó, tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng (tăng 20,8%) từ ngày 01/7/2023. Đồng thời, ban hành theo thẩm quyền Thông tư hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và hội.
Bộ đang tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương và phụ cấp mới (trong đó có quy định hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm đối với cán bộ, công chức, viên chức) thay thế Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để thực hiện vào thời điểm thích hợp sau năm 2023, đảm bảo theo yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, thực tài
Ngoài ra, Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2023/NĐ-CP về kiểm định chất lượng đầu vào công chức; Nghị định số 29/2023/NĐ-CP quy định về tinh giản biên chế; Nghị định số 48/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức. Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã ký ban hành Thông tư số 12/2023/TT-BNV bãi bỏ một số thông tư do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
Bộ Nội vụ xác định tuyển dụng là khâu quan trọng trong công tác cán bộ, một trong những yếu tố để xây dựng thành công nền công vụ chuyên nghiệp, thực tài, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý công chức theo vị trí việc làm, đảm bảo đúng người, đúng việc, nâng cao chất lượng, hợp lý về cơ cấu; tạo sự đồng bộ, thống nhất với các quy định của Đảng và của pháp luật về xác định vị trí việc làm, khắc phục tình trạng tiêu cực trong công tác tuyển dụng, Bộ Nội vụ đang nghiên cứu sửa đổi quy định về tuyển dụng công chức tại Nghị định số 138/2020/NĐ-CP.
Việc sửa đổi thực hiện theo hướng kiểm định chất lượng đầu vào thay cho thi tuyển vòng 1; xác định lại hình thức và nội dung thi tuyển vòng 2 nhằm đánh giá đúng năng lực chuyên môn của thí sinh. Bỏ phần thi tin học (do kiểm định chất lượng đầu vào đã thực hiện trên máy tính), bỏ phần thi ngoại ngữ đối với những vị trí việc làm không yêu cầu ngoại ngữ; bổ sung quy định cho thí sinh được đăng ký 2 nguyện vọng đối với vị trí việc làm có tiêu chuẩn, điều kiện giống nhau…
Bộ Nội vụ đang tham mưu cho Chính phủ sửa đổi, bổ sung các nghị định về cán bộ, công chức, viên chức nhằm tiếp tục đẩy mạnh phân cấp tuyển dụng, quản lý, sử dụng công chức, viên chức; cắt giảm thủ tục hành chính để giảm gánh nặng đối với đội ngũ và sửa đổi các quy định để giải quyết khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn.
Trong đó, có những nội dung lớn, tác động tới toàn thể đội ngũ như đề xuất bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; phân cấp xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, thi và xét nâng ngạch công chức; sửa đổi quy định về các bước và nội dung các bước bổ nhiệm công chức, viên chức…
Trong Thư chúc mừng các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Bộ, ngành Nội vụ nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Bộ Nội vụ, Ngày truyền thống ngành Tổ chức nhà nước (28/8/1945 - 28/8/2023), Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ, phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, không ngừng đổi mới, sáng tạo, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã có nhiều cống hiến, đóng góp lớn lao cho các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành. Nhất là trong công tác tổ chức nhà nước, góp phần xây dựng nền hành chính nhà nước chuyên nghiệp, hiện đại, dân chủ, pháp quyền, tỉnh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân.
Bộ trưởng tin tưởng các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sẽ tiếp tục đoàn kết, tâm huyết, trách nhiệm, không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ được giao, tạo ra những động lực mới, giá trị mới để làm giàu hơn nữa truyền thống vẻ vang, ngày càng nâng cao vị thế của Bộ Nội vụ và ngành Nội vụ.