Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh). |
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho biết, việc đưa ra quy định về việc đưa hình ảnh trẻ em lên mạng xã hội là cần thiết, tuy nhiên đây cũng là điều phức tạp vì chúng ta không thể cấm tất cả chuyện đưa hình ảnh trẻ em lên mạng, nhiều trường hợp nó là cần thiết phục vụ cho giáo dục, khuyến khích trẻ em tham gia các sinh hoạt cộng đồng lành mạnh... Nhưng trong nhiều trường hợp phải cấm đưa hình ảnh trẻ em lên mạng xã hội.
“Vấn đề của chúng ta là chưa có quy định cụ thể về sự phân loại này, phân loại về tiêu chí, các trường hợp được đưa và không được đưa. Do đó, tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ liên quan và các tổ chức xã hội liên quan như: Hội liên hiệp phụ nữ, Tổ chức thanh thiếu niên để mau chóng hình thành quy định hợp lý, chi tiết và khả thi trường hợp nào thì cấm, trường hợp nào hạn chế cân nhắc, trường hợp nào được đưa hình ảnh”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Còn đại biểu Phạm Tất Thắng, Ủy viên thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (đoàn Vĩnh Long) cho rằng, Luật trẻ em xây dựng theo hướng tiếp cận quyền trẻ em là quyền riêng tư, trẻ em có quyền bảo vệ bí mật về đời tư là rất tiến bộ so với điều kiện của chúng ta. Một trong 15 hành vi nghiêm cấm là đưa thông tin trẻ em lên mạng là cách tiếp cận tốt.
Tuy nhiên đại biểu Thắng cho rằng việc thực hiện điều này không dễ vì tập quán của Việt Nam khác các nước như ở Châu Âu, Châu Mỹ... việc tôn trọng quyền riêng tư là rất lớn giữa vợ - chồng, cha mẹ - con cái, nhưng thói quen ứng xử của chúng ta khác.
“Thậm chí có những hành động đối với nước ngoài là cấm kỵ như véo má, phát mông em bé... thì đối với nước ta là bình thường, thể hiện tình cảm. Môi trường văn hóa của chúng ta khác nên để thực hiện những điểm tiến bộ đó tôi cho rằng không phải là dễ”, đại biểu Thắng bày tỏ quan điểm.
Đại biểu Thắng cũng đề xuất, giai đoạn đầu thực hiện Luật trẻ em thì cần tuyên truyền, phổ biến để nhân dân nhận thức và nắm được quy định mới này rồi dần dần mới có lộ trình và chế tài xử lý.
Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) trao đổi với phóng viên. |
Liên quan đến nhiều ý kiến cho rằng chế tài xử phạt đối với các trường hợp vi phạm hiện nay chưa cụ thể, đại biểu Thắng cho rằng, không phải chỉ riêng Luật trẻ em mà tình trạng chung của pháp luật chúng ta trong xây dựng thường mang tính luật chung nhiều. Nên những quy định chi tiết hơn trong Luật và cần có nghị định thông tư hướng dẫn triển khai, với Luật trẻ em cũng vậy, hiện nay chưa có chế tài xử lý cụ thể.
“Theo tôi, giai đoạn đầu chưa nên thực hiện chế tài xử lý ngay. Một mặt nên xây dựng văn bản hướng dẫn Luật là Nghị định, thông tư với chế tài cụ thể trong đó, một mặt khác cần có tuyên truyền để người dân nắm được quy định mới và làm quen dần sau đó mới áp dụng chế tài xử lý và quy định cụ thể cơ quan có trách nhiệm xử lý”, đại biểu Thắng đề xuất.
Còn đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, hiện nay để bảo vệ trẻ em chưa có quy định chi tiết về chế tài xử lý thì vẫn có nhiều quy định trong các luật hiện hành như Luật Dân sự, Luật Hình sự... để xử lý về vấn đề này.
“Có trường hợp cha mẹ có quyền yêu cầu chấm dứt hành vi, xóa bỏ hình ảnh. Có trường hợp theo Luật Báo chí phải xin lỗi và nếu đưa hình ảnh trẻ em nhằm mục đích khiêu dâm, làm nhục, khủng bố... làm ảnh hưởng đến trẻ em gây hậu quả nghiêm trọng có thể khởi tố hình sự”, đại biểu Trương Trọng nghĩa cho hay.