Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện lãnh đạo Quân khu 7, Quân khu 9, các tỉnh, thành phố cùng thân nhân các Anh hùng, Liệt sỹ và đông đảo người dân đã dự.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, khi nhắc đến địa danh Rừng tràm Bang Biện Phú, trong mỗi người sống lại những ký ức không thể nào quên về một thời đạn bom khốc liệt, những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước bi hùng, oanh liệt, bất khuất của nhân dân vùng U Minh Thượng, Rạch Giá - Kiên Giang.
Chứng tích nhắc nhở mọi người về những cán bộ, chiến sỹ cách mạng và nhân dân yêu nước đã “sống kiên cường, dũng cảm hy sinh oanh liệt”. Tinh thần đó đã góp phần làm nên những chiến thắng vẻ vang của quân và dân ta trên các chiến trường Nam Bộ thành đồng Tổ quốc và cả nước; đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tinh thần đó đã góp phần làm nên một U Minh Thượng bất tử, biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại. Khu chứng tích mãi là một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình bày tỏ, thật yên lòng khi trên mảnh đất quê hương vùng U Minh Thượng anh hùng có một ngôi nhà chung, quy tụ hồn thiêng các bậc tiền nhân, những người có công với quê hương, đất nước đã ngã xuống. Nơi đây sẽ thực hiện được đầy đủ và trang nghiêm các nghi lễ tâm linh, tri ân công lao với những người đã ngã xuống vì đất nước; đồng thời là nơi giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, anh hùng cách mạng vẻ vang của quê hương, đất nước cho thế hệ sau. Đền thờ Anh hùng Liệt sỹ, người có công tại huyện Vĩnh Thuận sẽ là nơi đời đời yên nghỉ, nơi sưởi ấm những linh hồn đã bao năm nằm sâu dưới lòng đất...
Khu chứng tích chiến tranh Rừng tràm Bang Biện Phú nằm trong quần thể 31 điểm di tích thuộc Di tích lịch sử Quốc gia Căn cứ U Minh Thượng, được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia năm 1997. Khu chứng tích có diện tích 4 ha, tọa lạc tại khu phố Vĩnh Phước 2 (thị trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận). Đây là điểm di tích đặc biệt lưu giữ giá trị một giai đoạn lịch sử hào hùng, bi tráng của miền Tây Nam Bộ và Đảng bộ tỉnh Kiên Giang.
Trung tuần tháng 5/2023, Khu chứng tích chiến tranh Rừng tràm Bang Biện Phú và Đền thờ Anh hùng Liệt sỹ, người có công được khởi công với tổng kinh phí xây dựng gần 100 tỷ đồng từ nguồn vận động tài trợ, xã hội hóa. Đền thờ Anh hùng Liệt sỹ, người có công là công trình chính với không gian hai bên thờ Liệt sỹ, gian giữa thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Toàn bộ khuôn viên của công trình được xây dựng khang trang, sạch đẹp, với hệ thống chiếu sáng, cây xanh, hoa, kiểng, ao sen… Tượng đồng Chủ tịch Hồ Chí Minh cao lớn, bao dung, mang biểu tượng “Miền Nam trong trái tim tôi” đầy cảm xúc.
Trên vùng đất Vĩnh Thuận anh hùng, từ tháng 2/1955, chính quyền Ngô Đình Diệm thành lập Đặc khu An Phước để đàn áp phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân. Trên nền nhà cũ của địa chủ Bang Biện Phú, chế độ ngụy quyền Sài Gòn thành lập Trại giam An Phước được mệnh danh là “Lò sát sanh An Phước” vì được đặc quyền bí mật hành hình, giết hại tù nhân không cần tuyên án. Nơi đây là địa điểm giam cầm và giết hại bí mật những người được xem là “Cộng sản cốt cán”.
Trong thời gian khoảng 3 năm (1955 - 1957), ngụy quyền Sài Gòn đã mở nhiều cuộc càn quét khủng bố, bắt, giam cầm trên 10.000 lượt cán bộ, chiến sỹ cách mạng và những người yêu nước; trong đó trên 1.500 người đã bị giết hại bằng nhiều hình thức dã man, tàn bạo tại trại giam, khu rừng tràm Bang Biện Phú. Những năm qua, Đội K92 của tỉnh đã tìm thấy nhiều hài cốt không còn nguyên vẹn, không xác định được danh tính của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân yêu nước tại đây.