Bình Định: Chứng tích Trận ném bom Chợ Đề được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh

Ngày 8/2, tại Khu phố Tài Lương 3, xã Hoài Thanh Tây, thị xã Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định), Thị ủy, Hội đồng nhân dân, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Hoài Nhơn đã tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh Trận ném bom Chợ Đề và phát động phong trào Tết trồng cây Xuân Nhâm Dần 2022.

Chú thích ảnh
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long phát biểu tại buổi lễ. 

Chứng tích Trận ném bom Chợ Đề đã được UBND tỉnh Bình Định công nhận xếp hạng di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 169/QĐ-UBND ngày 15/01/2022. Thay mặt lãnh đạo tỉnh Bình Định, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long đã trao Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh Trận ném bom Chợ Đề cho lãnh đạo Thị ủy, Hội đồng nhân dân, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Hoài Nhơn, ghi nhận công lao to lớn, những mất mát đau thương mà anh dũng của người dân Hoài Thanh Tây, Hoài Nhơn trong thời kỳ chống thực dân Pháp.

Sau thất bại nặng nề trận Chợ Cát - Tam Quan (Hoài Nhơn) năm 1949, thực dân Pháp tăng cường dùng máy bay, tàu chiến đánh phá liên tục các trục đường giao thông chiến lược, các thị trấn, vùng đông dân cư. Tại Hoài Nhơn, địch thường xuyên phong tỏa tuyến biển, đánh phá ghe, thuyền và đón bắt, ngăn chặn không cho ngư dân đánh cá ngày càng gay gắt. Trên tuyến đường sắt và Quốc lộ 1, máy bay địch thường xuyên bắn phá, thả bom xăng, bom na-pan thiêu hủy nhà cửa của nhân dân, phá hoại cầu cống, nhà ga, hầm xe lửa, kho tàng, trường học, chợ, gây ra bao cảnh chết chóc đau thương đối với thường dân vô tội.

Chú thích ảnh
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long (phải) trao bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh cho lãnh đạo thị xã Hoài Nhơn. 

Một trong những tội ác tiêu biểu của thực dân Pháp tại Hoài Nhơn là trận ném bom Chợ Đề vào ngày 28/2/1950 (nhằm ngày 12 tháng Giêng năm Canh Dần). Giặc Pháp dùng máy bay Dakota ném bom chùm xuống Chợ Đề trong lúc thường dân đang nhóm chợ, giết hại 51 người và làm hàng trăm người khác bị thương. Đau xót hơn, trong số các nạn nhân bị chết hầu hết đều là phụ nữ và trẻ em. Khi máy bay địch rút đi, cả khu vực Chợ Đề hầu như không còn sự sống, tất cả chìm trong khói lửa, chết chóc. Lửa tràn xóm chợ, khói cuộn mù trời, máu ngập đỏ tươi trên các sạp hàng, đường làng, xác người ngổn ngang, tiếng khóc vang trời. Nhắc đến vụ thảm sát tại Chợ Đề là nhắc đến một trang sử bi thương được viết bởi máu xương đồng bào Hoài Thanh Tây, Hoài Nhơn trong những năm tháng chiến tranh đầy gian khổ mà người dân nơi đây không thể nào quên được. Nỗi đau những đồng bào vô tội bị tàn sát tại Chợ Đề nói riêng và nhiều nơi khác nói chung không thể khuất phục được ý chí khát vọng độc lập của nhân dân mà còn là động lực đẩy mạnh tinh thần chống giặc của quần chúng, giữ vững tinh thần trước âm mưu và thủ đoạn của kẻ thù, tạo cho thế hệ thanh niên nguồn sinh khí mới đứng lên theo tiếng gọi của Đảng, nắm chắc tay súng cùng với các đơn vị bộ đội chủ lực chiến đấu lập nhiều thành tích tiêu diệt địch ngay trên quê hương Hoài Nhơn, Hoài Thanh Tây, góp phần giải phóng quê hương đất nước.

Ngoài Di tích lịch sử cấp tỉnh Trận ném bom Chợ Đề, phường Hoài Thanh Tây có 2 di tích văn hóa, lịch sử cấp quốc gia là Đền thờ Danh nhân Văn hóa Đào Duy Từ và Di tích lịch sử lưu niệm cuộc biểu tình năm 1931 tại cây số 7 Tài Lương.  Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hoài Nhơn đã tích cực triển khai nhiều giải pháp tôn tạo và khôi phục lại chứng tích Trận ném bom Chợ Đề năm xưa, trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo thị xã Hoài Nhơn tặng hoa cho những chứng nhân lịch sử "Trận ném bom Chợ Đề". 

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long cho biết: Cùng với đồng bào nhiều nơi trong cả nước, đồng bào xã Hoài Thanh Tây và thị xã Hoài Nhơn đã chịu nhiều hy sinh, mất mát trong chiến tranh. Hoài Nhơn là vùng đất anh hùng, Đảng bộ và nhân dân Hoài Nhơn đã đoàn kết một lòng giải phóng quê hương và xây dựng quê hương giàu đẹp. Hiện tại, Hoài Nhơn đang hội đủ điều kiện phát triển lên một giai đoạn mới, là cực phát triển trung tâm phía Bắc của tỉnh Bình Định. Việc xây dựng Hoài Nhơn giàu mạnh, hiện đại vừa là nhiệm vụ của toàn hệ thống Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Hoài Nhơn và cũng là cách để chúng ta tri ân các thế hệ đi trước đã hy sinh cho sự nghiệp hôm nay.

Cùng ngày, tiếp tục hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ trồng 1 tỷ cây xanh, Thị ủy, Hội đồng nhân dân, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam thị xã Hoài Nhơn đã phát động phong trào Tết trồng cây mừng Xuân Nhâm Dần 2022 với khẩu hiệu hành động “Mỗi năm mỗi người trồng và chăm sóc ít nhất 2 cây xanh, mỗi nhà góp một mảng xanh, mỗi khu dân cư góp một vùng xanh, để thị xã Hoài Nhơn và đất nước ta ngày càng xanh”.

Tin, ảnh: Phạm Kha (TTXVN)
Nhà cụ Nguyễn Thị An - nơi Bác Hồ ở và làm việc được xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia
Nhà cụ Nguyễn Thị An - nơi Bác Hồ ở và làm việc được xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia

Nhà cụ Nguyễn Thị An, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ (Hà Nội) - địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc (từ ngày 23 đến ngày 25/8/1945), vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN