Khẳng định uy tín và sức lan tỏa mạnh mẽ của Giải Búa liềm vàng

Tối nay (3/2), đúng ngày kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2023), Lễ công bố và trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ VII - năm 2022 sẽ diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Trước thềm Lễ trao Giải, ông Ngô Minh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng - Cơ quan Thường trực Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng đã trao đổi với phóng viên báo chí về các nội dung xung quanh Giải năm nay.

Chú thích ảnh
Ông Ngô Minh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng, Cơ quan Thường trực Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng. Ảnh tư liệu: moj.gov.vn

Năm 2022 là năm thứ bảy của Giải Búa liềm vàng. Qua mỗi kỳ tổ chức, Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng ngày càng thể hiện sự uy tín, thu hút đông đảo các tác giả, nhóm tác giả tham gia. Theo ông đâu là những điều làm nên thành công của Giải?

 Muốn có một giải báo chí uy tín và được báo giới thừa nhận là một giải thưởng khát khao vươn tới trong sự nghiệp làm báo thì trước hết là khâu tổ chức. Với Giải Búa liềm vàng, công tác tổ chức rất chặt chẽ, bài bản. Trước hết là phải thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức giải để có sự lãnh đạo, chỉ đạo chung, tiếp đó là phân công 1 cơ quan thường trực - cơ quan giúp việc có chuyên môn, có tính chuyên nghiệp cao.

Thứ hai là phải huy động được tất cả các lực lượng tham gia. Giải Búa liềm vàng đã huy động được tất cả lực lượng tham gia gồm các cấp ủy, tổ chức đảng từ Trung ương đến địa phương; ở mỗi cấp có sự chung tay của các cơ quan tham mưu của cấp ủy gồm các ban tuyên giáo, ban tổ chức cấp ủy và tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của người làm báo là Hội Nhà báo. Đồng thời, tuyên truyền, vận động thu hút sự quan tâm của cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia. Có thể nói, Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng đã nhận được sự hưởng ứng và vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Thứ ba là công tác chấm giải được bảo đảm tính độc lập, khách quan, công tâm, minh bạch. Cơ quan thường trực Giải đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo thành lập 2 Hội đồng chấm giải, gồm Hội đồng sơ khảo và Hội đồng chung khảo. Tham gia các Hội đồng là những nhà báo có uy tín, kinh nghiệm; những người am hiểu sâu về công tác xây dựng Đảng.

Ngoài ra, công tác tổ chức Lễ trao giải cũng phải bảo đảm sự trang trọng đến mức cần thiết. Nơi tổ chức Lễ công bố và trao Giải được ấn định là Nhà hát Lớn Hà Nội; phần thưởng của Giải là những chiếc cúp Búa liềm vàng..., để người nhận giải thực sự cảm thấy vinh dự, tự hào khi đứng trên sân khấu nhận giải.

Tất cả những yếu tố này đã góp phần làm nên thành công, khẳng định uy tín, thương hiệu của Giải Búa liềm vàng trong những năm qua.

Ông đánh giá thế nào về chất lượng các tác phẩm vào chung khảo của Giải Búa liềm vàng lần thứ VII - năm 2022?

Chất lượng tác phẩm vào chung khảo của giải năm nay nói chung có một bước tiến rất đáng mừng. Năm nay, các tác phẩm được Hội đồng sơ khảo lựa chọn đưa vào chấm chung khảo bảo đảm tương xứng với chất lượng, hài hòa các thể loại, các loại hình, vùng miền.

Tính báo chí và “chất” xây dựng Đảng trong các tác phẩm rõ hơn trước rất nhiều. Nếu như những năm đầu tiên của Giải, “chất” xây dựng Đảng trong các tác phẩm báo chí dự giải có khoảng cách giữa cơ quan báo chí Trung ương và địa phương hoặc chưa đồng đều giữa báo in với các thể loại phát thanh, truyền hình, báo điện tử, thì đến nay trong tất cả các thể loại, “chất” xây dựng Đảng đã rất sâu đậm, rõ rệt.

Nhiều tác phẩm có những công phu trong tìm tòi chủ đề, cách thức thể hiện, thu thập thông tin, tư liệu, phản ánh đậm hơi thở cuộc sống, bám sát những trọng tâm trong công tác thông tin, tuyên truyền về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong năm 2022.

Năm 2022 cũng là năm có rất nhiều tác phẩm tham dự Giải. Tổng số có 2.031 tác phẩm, tương đương với năm 2021, vượt hẳn so với các năm trước, nhưng chất lượng nói chung đồng đều hơn và tốt hơn so với các mùa giải trước.

Để có được bước tiến này, ngay từ đầu năm Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Kế hoạch thông tin, tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2022, với 5 trọng tâm.

Trọng tâm thứ nhất là tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, chạy chức, chạy quyền, lợi ích nhóm.

Trọng tâm thứ hai là tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới.

Trọng tâm thứ ba là tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; tình hình, kết quả xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo định hướng khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Trọng tâm thứ tư là đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; tiếp tục bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới của Bộ Chính trị khóa XII, phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, tích cực đấu tranh chống diễn biến hòa bình.

Trọng tâm thứ năm là xây dựng Đảng về đạo đức và thực hiện các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên; thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) và Kết luận số 21 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, thực sự dựa vào dân để xây dựng Đảng.

Trên cơ sở những định hướng, trọng tâm tuyên truyền về xây dựng Đảng của năm 2022, tất cả các cơ quan báo chí từ Trung ương, địa phương tổ chức những nội dung để tuyên truyền và xây dựng các tuyến bài, từ đấy lựa chọn những tác phẩm có chất lượng tốt tham dự Giải Búa liềm vàng.

Một yếu tố nữa giúp cho những tác phẩm trong năm 2022 có chất lượng tốt hơn, đó là việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên trong cả nước. Ban Tổ chức Trung ương đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức một lớp bồi dưỡng trực tiếp kết hợp với trực tuyến trong cả nước, trong đó một số tỉnh đã nối mạng trực tuyến đến tận huyện. Tổng số có 1.700 cán bộ, phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương tham dự, vừa được cung cấp thông tin, định hướng, đồng thời được trang bị kỹ năng viết bài.

Cho nên đến nay các tác phẩm tham dự Giải, tính báo chí rõ hơn, chất xây dựng Đảng rất sâu đậm. Những điều đó tạo nên chất lượng tác phẩm báo chí dự Giải Búa liềm vàng lần thứ VII - năm 2022 tốt hơn rất nhiều.

Ông có thể chia sẻ thêm về những điểm nổi bật trong các tác phẩm đoạt giải cao năm nay?

Năm nay ghi nhận nhiều tác phẩm có những nghiên cứu sâu để góp phần phát triển lý luận về xây dựng Đảng. Bên cạnh đó, có những loạt bài đi sâu tìm ra những nguyên nhân của hiện tượng nhiều cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa; hay là đi sâu về các lĩnh vực của công tác tổ chức xây dựng Đảng, như công tác cán bộ, công tác tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên.

Có những tác phẩm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch; phát đi thông điệp về Việt Nam đang hướng đến xây dựng một đất nước hạnh phúc, bảo đảm quyền con người.

Riêng về vấn đề đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc về nhân quyền ở Việt Nam, năm nay có nhiều bài viết thể hiện một cách phong phú, sinh động, sâu sắc, lập luận rất chặt chẽ, có tính thuyết phục cao. Đây là một đề tài rất khó nhưng đã được một số báo thể hiện rất thành công, trong đó có 2 tác phẩm đoạt giải cao.

Ngoài ra, một số mảng đề tài như vấn đề làm thế nào để từ chức trở thành văn hóa; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vốn đã được đề cập trong các mùa giải trước nhưng nay có thêm bước tiến, như đặt vấn đề và giải pháp làm thế nào thu hồi được tài sản tham nhũng, tiêu cực; cơ chế trọng dụng nhân tài, làm sao tiến cử cho Đảng những người có đức, có tài, có phẩm chất nổi trội mà không nhất thiết là phải “tuần tự nhi tiến”.

Đặc biệt, năm nay ghi nhận nhiều tác phẩm khai thác mảng đề tài rất quan trọng, đó là việc triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cùng với nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, làm thế nào để sớm đi vào cuộc sống. Theo đó, nhiều tác phẩm báo chí đã phản ánh được những mô hình hay, cách làm sáng tạo của nhiều địa phương.

Nhìn tổng thể, trong 2.031 tác phẩm tham dự Giải Búa liềm vàng năm 2022, theo tôi, cơ bản số đông những tác phẩm đi theo dòng chủ lưu “xây” là chính, chủ đạo, chiến lược cơ bản, lâu dài, còn “chống” là cấp bách, thường xuyên. Qua 2.031 tác phẩm dự Giải Búa liềm vàng lần này cũng cho thấy một bức tranh toàn cảnh về đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, đối ngoại của đất nước trong năm 2022 với những gam màu rất tươi sáng, đúng như đồng chí Tổng Bí thư nói: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

 Xin ông cho biết, tiêu chí chấm giải năm nay có gì mới so với các năm trước đây?

 Tiêu chí chấm giải năm 2022 cũng cơ bản giống nhiều năm trước như rõ ràng về thể loại; thời lượng cũng như số kỳ theo quy định; phản ánh trung thực sự việc, hiện tượng; cách diễn đạt trong sáng, dễ hiểu và gây cảm xúc.

Cùng với đó, Ban Tổ chức Giải có lưu ý thêm các Hội đồng chấm giải một số ý. Thứ nhất là phải khuyến khích và đánh giá cao những tác phẩm mà người viết có sự dấn thân, xông pha vào nơi gian khó để phát hiện ra những tấm gương tiêu biểu, những tập thể, những địa phương có cách làm tốt.

Thứ hai là những tác phẩm mang tính phát hiện vấn đề để làm sao qua đấy phản ánh được sự quyết tâm cao độ cũng như nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nhất là trong năm 2022 là năm tạo nền tảng để thực hiện thành công Nghị quyết, cũng như cố gắng phục hồi nền kinh tế sau dịch COVID-19.

Từ góc độ cơ quan thường trực của Giải, theo ông, thời gian tới cần những cải tiến nào để Giải Búa liềm vàng tiếp tục phát triển, củng cố uy tín, vị thế là một trong những giải báo chí hàng đầu của đất nước?

Từ góc độ tổ chức, chúng tôi sẽ suy nghĩ rút kinh nghiệm các mùa giải đã qua, nhất là năm 2022, để có tham mưu cho Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Giải hoàn thiện thêm các tiêu chí, tiêu chuẩn trong việc lựa chọn tác phẩm.

Công tác tổ chức Giải cũng sẽ hoàn thiện thêm, trong đó chú ý công tác quảng bá về Giải và về tác phẩm đoạt giải tốt hơn nữa, tạo sự lan tỏa sâu rộng thêm.

Về nội dung, sẽ phải có những bổ sung cho phù hợp với thực tiễn hơn nữa, để làm sao những tác phẩm tham dự Giải Búa liềm vàng phủ kín hết cả mọi góc cạnh, mọi lĩnh vực, mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại của đất nước.

Hiện nay, Giải Búa liềm vàng không chỉ mở rộng ở trong nước mà còn vươn ra ngoài nước. Đã có rất nhiều người Việt Nam ở nước ngoài viết tác phẩm, gửi bài cho Giải. Và năm nào Giải cũng vinh danh tác giả là người Việt Nam ở nước ngoài, riêng năm nay có hai tác giả (một người là người Việt Nam tại Nhật Bản và một người là người Việt Nam tại Đài Loan (Trung Quốc).

Trân trọng cảm ơn ông!

Việt Đức (Thực hiện)
Giải Búa liềm vàng lần thứ VII: Bám sát các 'vấn đề nóng', đề xuất những giải pháp thiết thực
Giải Búa liềm vàng lần thứ VII: Bám sát các 'vấn đề nóng', đề xuất những giải pháp thiết thực

Tối 3/2, Lễ trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) lần thứ VII - năm 2022 sẽ được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2023).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN