Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Nam, vào 15 giờ ngày 10/9, mực nước trên sông Đáy tại Trạm thủy văn Phủ Lý là: 4,56m (trên Báo động III: 0,56m), mực nước sông Hồng tại Trạm thủy văn Hưng Yên là 6,27m (dưới báo động II là 0,03m).
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan theo chức năng nhiệm vụ theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, thực hiện nghiêm chế độ thường trực; khẩn trương, quyết liệt thực hiện các nội dung, giải pháp chủ động ứng phó khắc phục với tình hình mưa lũ, thiên tai trên địa bàn tỉnh, ưu tiên đảm bảo an toàn tính mạng người dân; hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra.
UBND các huyện, thị xã, thành phố phân công, bố trí lực lượng thường trực theo quy định. Các địa phương chủ động sơ tán các hộ dân đang sinh sống tại các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực ven sông, vùng trũng thấp, khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt để đảm bảo an toàn cho người và tài sản; Chuẩn bị nhu yếu phẩm cần thiết để kịp thời hỗ trợ người dân tại các khu vực ngập úng, chưa di chuyển được...
UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo đúng quy định của Luật Đê điều và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 6/1/2009, để kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố có thể xảy ra ngay từ giờ đầu.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban, báo cáo kịp thời các diễn biến tình hình mưa lũ, thiên tai, các sự cố công trình đê điều...
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh, tăng cường lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương thực hiện khắc phục hậu quả sau bão số 3 và ứng phó với tình hình mưa lũ, thời tiết thiên tai phát sinh; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực xung yếu để thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn.
Sở Giáo dục và Đào tạo nắm chắc diễn biến, tình hình mưa lũ, thông báo các Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố căn cứ tình hình thực tế mưa lũ, chủ động cho học sinh, sinh viên nghỉ học đảm bảo an toàn.
Sở Giao thông vận tải thực hiện các nội dung đảm bảo an toàn giao thông (ngừng hoạt động các bến đò ngang, hạn chế thuyền bè lưu thông trong thời gian mưa lũ... theo quy định)
Sở Thông tin và Truyền thông; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Báo Hà Nam theo dõi nắm bắt các bản tin dự báo, các chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh và các Sở, ngành, đơn vị về diễn biến mưa lũ, thiên tai; tăng cường thời lượng đưa tin và những nội dung hướng dẫn biện pháp ứng phó với mưa, lũ, thiên tai đảm bảo thông tin kịp thời đến người dân và các tổ chức có liên quan biết để phòng tránh.
Công ty Điện lực tỉnh khẩn trương sửa chữa khắc phục các sự cố, đảm bảo cấp điện cho các trạm bơm tiêu thoát nước, cơ sở y tế, các khu công nghiệp, sinh hoạt của người dân.
Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các giải pháp đảm bảo nước sạch sinh hoạt, khuyến cáo người dân tích trữ nước sạch dự phòng...
Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh khẩn trương, chủ động thực hiện các giải pháp đảm bảo tiêu thoát nước, phòng chống ngập tại các Khu công nghiệp (trong đó lưu ý Khu công nghiệp Châu Sơn, Đồng Văn I, Đồng Văn II...).
Thái Bình: Triển khai các biện pháp giúp hạn chế thiệt hại
Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do nước trên các sông Hồng, sông Luộc, sông Hóa đang lên rất nhanh và tiếp tục diễn biến phức tạp, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình đã ban hành Công điện khẩn xử lý kịp thời những diễn biến, hư hỏng của đê, kè, cống do lũ gây ra, đặc biệt là các điểm xung yếu đê điều.
Cụ thể, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện: Hưng Hà, Vũ Thư, Đông Hưng, Kiến Xương, Thái Thụy, Tiền Hải, Quỳnh Phụ và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc, Nam Thái Bình tăng cường tuần tra, canh gác ngày, đêm đê điều theo lệnh báo động số II trên sông Hồng, sông Luộc, sông Hóa; rà soát chuẩn bị vật tư, nhân lực, phương tiện để sẵn sàng xử lý các sự cố ngay từ giờ đầu.
Ngoài ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai phương án bảo vệ an toàn cho người dân sinh sống ở vùng bờ bao, đê bối. Đối với các tuyến bờ ao, đê bối, đặc biệt, nơi có dân sinh sống, xét thấy khả năng không an toàn phải chủ động cho nước vào đề phòng vỡ đột ngột gây thiệt hại về người và tài sản. Cùng với đó, di dời người và tài sản vào trong đê chính để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhân dân vùng bối, bãi.
Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã tăng cường thông tin, tuyên truyền để các tổ chức, người dân biết diễn biến của lũ và các chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, chủ động phòng chống lũ, tránh tư tưởng lơ là, chủ quan; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, ngành sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu; tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của lũ.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thái Bình, mực nước trên các sông hiện tiếp tục lên. Nguy cơ rất cao xảy ra ngập lụt vùng trũng thấp bãi bồi ven sông Trà Lý, sông Hồng, sông Luộc tại các huyện Hưng Hà, Đông Hưng, Vũ Thư, Quỳnh Phụ, Kiến Xương, thành phố Thái Bình và sạt lở đất, đê kè xung yếu. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ: Cấp 2-3.
Vĩnh Phúc: Phát lệnh báo động số II trên sông Phó Đáy
Hồi 13 giờ 30 phút ngày 10/9, mực nước trên sông Phó Đáy tại trạm đo thủy văn Kim Xá, (huyện Vĩnh Tường) đã lên tới +15,00m bằng với báo động số II và có khả năng tiếp tục lên, do lượng nước ở thượng lưu dồn về.
Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Phúc ra lệnh báo động số II trên sông Phó Đáy cho Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện Lập Thạch, Tam Dương, Vĩnh Tường và yêu cầu triển khai ngay lực lượng, phương tiện, vật tư đảm bảo an toàn hệ thống đê điều theo cấp báo động số II đúng quy định. Tổ chức lực lượng, thực hiện công tác tuần tra, canh gác đê theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn tuần tra, canh gác, bảo vệ đê điều trong mùa lũ, bão để phát hiện và xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu những hư hỏng của đê, kè, cống; nhất là các cống dưới đê và các trọng điểm xung yếu đê điều. Đồng thời, thông báo cho nhân dân sinh sống vùng ngoài đê để chủ động sơ tán khi sự cố xảy ra.
Chiều cùng ngày, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Phúc ra lệnh báo động số I trên sông Hồng cho Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc, yêu cầu các địa phương này triển khai ngay lực lượng, phương tiện, vật tư bảo đảm an toàn hệ thống đê điều theo cấp báo động số I đúng quy định. Đồng thời, thông báo cho nhân dân sinh sống vùng ngoài đê để chủ động sơ tán khi sự cố xảy ra.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, từ sáng 10/9, nước sông Phó Đáy và một số ao, hồ, đầm, ngòi dâng cao, bắt đầu gây ngập lụt tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Riêng chiều 10/9/2024, một trận mưa lớn diễn ra vào giờ tan tầm tại thành phố Vĩnh Yên đã khiến nhiều tuyến đường tại đây ngập úng cục bộ. Các phương tiện lưu thông trên đường đã bị ách tắc, ùn ứ do nước ngập sâu, gây cản trở tới việc lưu thông của người và xe cộ cũng như gây bất tiện trong đời sống sinh hoạt, kinh doanh buôn bán của các cửa hàng, hộ dân ven đường...