Đó là chỉ đạo của Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tại cuộc họp về ứng phó với hoàn lưu sau bão số 9 vào sáng 30/10 tại Hà Nội.
Phối hợp tìm kiếm người mất tích
Phó Chánh Văn phòng Nguyễn Văn Tiến đề nghị các lực lượng chức năng phối hợp với chính quyền các địa phương khẩn trương tìm người còn mất tích do sạt lở đất tại tỉnh Quảng Nam và trên 2 tàu cá của tỉnh Bình Định bị chìm ngày 27/10 (tàu BD 96388TS có 12 lao động và tàu BD 97469 TS có 14 lao động); tổ chức cứu chữa người bị thương và thăm hỏi, hỗ trợ, động viên những gia đình có người chết.
Các tỉnh, thành phố chịu thiệt hại của bão lũ phải chủ động rà soát các hộ dân bị thiệt hại, đặc biệt là các hộ có nhà bị sập, bị ngập sâu, kịp thời hỗ trợ về lương thực, thực phẩm, kiên quyết không để người nào bị đói, rét, bị thương không được chữa trị.
Cùng với đó, các địa phương cần phối hợp với lực lượng chức năng bố trí lực lượng hướng dẫn giao thông, nhất là nhưng nơi bị sạt lở, qua các ngầm tràn, khu vực bị ngập, nước, nước chảy siết; kiểm tra, vận hành đảm bảo an toàn các hồ chứa nước, đặc biệt là những hồ xung yếu, hồ đã tích đầy nước; kiểm tra, rà soát, chủ động di dời dân đang sinh sống tại những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực thấp trũng ven sông, hạ du hồ chứa đến nơi an toàn.
Mưa lũ tại khu vực miền Trung diễn biến phức tạp
Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia Vũ Đức Long cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, kết hợp với rãnh thấp qua Trung Trung Bộ đang đẩy dần lên và nhiễu động gió Đông trên cao, nên từ ngày 30-31/10, các tỉnh từ Thanh Hoá đến Quảng Bình có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-200 mm; riêng tại Nghệ An và Hà Tĩnh có nơi lượng mưa đạt trên 300 mm. Ở các tỉnh, thành phố Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 50-150 mm, có nơi trên 200 mm.
Ông Long nhận định, khoảng 9 giờ ngày 30/10, mực nước trên sông Ngàn Sâu tại trạm Hoà Duyệt (Hà Tĩnh) đạt đỉnh ở mức 8 m, trên báo động 1 là 0,5 m, sau đó xuống chậm.
Từ 10 giờ đến khoảng 22 giờ ngày 30/10, lũ trên sông Lam (sông Cả) tại Nghệ An, sông La tiếp tục lên, lũ sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố tại Hà Tĩnh tiếp tục xuống. Đến đêm 30/10, mực nước sông Lam tại điểm đo Nam Đàn lên mức 7,2 m, trên báo động 2 là 0,3 m; nước trên sông La tại điểm đo Linh Cảm dao động ở mức báo động 1. Có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh; sạt lở đất vùng núi tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Nguy cơ xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp, các khu đô thị từ Nghệ An đến Quảng Bình. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất cấp 2.
Ông Vũ Đức Long lưu ý: "Hiện nay, cơn bão Goni đang hoạt động ở phía Đông Philippines. Đây là cơn bão số 19 trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương. Cơn bão có khả năng đi vào Biển Đông trong ngày 2/11 và mạnh lên”.
Hỗ trợ, khắc phục hậu quả thiên tai
Theo đại diện của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, hiện nay lực lượng biên phòng đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương bị ảnh hưởng bởi lũ, bão, tăng cường lực lượng, đưa chó nghiệp vụ... vào tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả ở khu vực Nhà máy thuỷ điện Rào Trăng 3 (tỉnh Thừa Thiên -Huế) và ở các huyện Nam Trà My, Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam).
Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với các lực lượng khắc phục điểm sạt lở đầu tiên tại Km 68 trên QL40B qua địa bàn tỉnh Quảng Nam dẫn vào hiện trường xã Trà Leng (huyện Nam Trà My), cách hiện trường vụ sạt lở làm nhiều người còn mất tích, khoảng 15km .
Các tỉnh bị ngập lụt nặng trước bão số 9 gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam tiếp tục dự trữ đợt 2 đối với hàng hóa lương thực, thực phẩm và các mặt hàng nhu yếu phẩm khác để sẵn sàng cho đợt mưa lũ tới.
115 người chết, mất tích và bị thương
Thông tin từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 22 giờ ngày 30/10, bão số 9 và hoàn lưu sau bão đã làm 23 người chết (tại Quảng Nam 21 người, tại Gia Lai 1 người, tại Đắk Lắk 1 người); 47 người mất tích (tại Quảng Nam 24 người, trong đó ở xã Trà Leng thuộc huyện Nam Trà My 14 người, tại xã Trà Mai huộc huyện Nam Trà My 1 người; tại xã Phước Lộc thuộc huyện Phước Sơn 8 người, tại huyện Hiệp Đức 1 người), tại Bình Định 23 người (ngư dân).