Vĩnh Long thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội
Tại phiên bế mạc Kỳ họp lần thứ 9, HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm nhấn mạnh, năm 2025, tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, khẩn trương sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy “tinh, gọn, mạnh”, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ. Bên cạnh đó, HĐND tỉnh đồng hành cùng UBND tỉnh, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, chuẩn bị tốt nhất cho Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025 - 2030, tạo tiền đề cho Vĩnh Long phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn mới.
Báo cáo tại Kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Long Đặng Văn Chính cho biết, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2024 đạt nhiều kết quả nổi bật với 21/21 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch. Các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được triển khai đầy đủ, kịp thời, đảm bảo đúng đối tượng, mục tiêu. Ước mức giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2024 của tỉnh đạt 0,42%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72%, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 95%...
Theo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Vĩnh Long cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực thực chất, hiệu quả, gắn với đổi mới nâng cao năng suất chất lượng trong tăng trưởng; đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.
Tỉnh phấn đấu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2025 tăng 7%; GRDP bình quân đầu người 94 triệu đồng/người; tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD; tăng thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 1 huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới…
Tám nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được tỉnh đề ra để phấn đấu hoàn thành mục tiêu trên. Trong đó, tỉnh tiếp tục khai thác các động lực tăng trưởng truyền thống; mở rộng các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; triển khai nhanh, hiệu quả Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch chuyên ngành. Tỉnh chủ động triển khai, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc và có giải pháp hiệu quả đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, đặc biệt là các dự án, công trình trọng điểm và các chương trình mục tiêu quốc gia.
Bên cạnh đó, tỉnh cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số xanh cấp tỉnh; đảm bảo bình đẳng, thuận lợi cho các thành phần kinh tế; hỗ trợ phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp tư nhân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân thật sự là động lực của nền kinh tế. Đồng thời, Vĩnh Long thực hiện tốt chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo, ưu đãi đầu tư của tỉnh, tận dụng cơ hội, tranh thủ thời cơ, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Yên Bái đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược
Sau hai ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, chiều 10/12, Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Yên Bái khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 hoàn thành chương trình đề ra và bế mạc.
Tại Kỳ họp, HĐND tỉnh Yên Bái thông qua 46 nghị quyết bao trùm toàn bộ các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh; góp phần hoàn thành thắng lợi chỉ tiêu cho cả nhiệm kỳ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Trong đó, Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch đầu tư công và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025 có ý nghĩa quan trọng cần triển khai ngay bởi tác động lớn đến tình hình phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đối với Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Yên Bái đề ra mục tiêu tổng quát và chủ đề của năm: “Đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, tích cực thu hút đầu tư; chủ động, kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định đời sống và sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm cuộc sống ấm no và hạnh phúc cho nhân dân; tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp” gắn với phương châm hành động “Tăng tốc, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả”. Nghị quyết cụ thể hóa 19 chỉ tiêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh thành 32 chỉ tiêu với 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để triển khai.
Về Nghị quyết dự toán thu, Yên Bái thống nhất chi ngân sách năm 2025, tổng dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 5.500 tỷ đồng, tăng 1.762 tỷ đồng so với dự toán trung ương giao; dự toán thu ngân sách địa phương 15.728,6 tỷ đồng; dự toán chi ngân sách địa phương 15.800,7 tỷ đồng. Điều này sẽ giúp các đơn vị, địa phương phân bổ chi tiết sát với khả năng và tình hình thực tế, góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Về kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2025, tỉnh Yên Bái được giao 5.203 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương 1.818 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 3.385 tỷ đồng. Trên cơ sở nguồn vốn sẽ giúp các địa phương phân bổ sớm, kịp thời; ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhất là các dự án quan trọng, cấp thiết, các dự án giao thông có tính lan tỏa, liên kết vùng nhằm tạo đột phá, không gian phát triển mới của tỉnh. Riêng đối với các dự án khắc phục hậu quả thiên tai bởi bão số 3, tỉnh phấn đấu hoàn thành thủ tục đầu tư chậm nhất trong tháng 1/2025.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái Tạ Văn Long đề nghị Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu và các đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục đổi mới cách thức tổ chức, hoạt động theo hướng hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng công tác; tổ chức tốt hoạt động tiếp xúc cử tri, kịp thời thông báo kết quả kỳ họp đến cử tri và nhân dân.
Sau kỳ họp, UBND tỉnh triển khai các nghị quyết vừa được thông qua đúng theo luật định; quan tâm chỉ đạo thực hiện các đề án, chương trình đúng mục tiêu và tiến độ đề ra, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh trong năm 2025.