Khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 4 và ứng phó với hoàn lưu sau bão

Sáng 30/8, ông Phan Đắc Hùng, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hà Tĩnh cho biết: Cơn bão số 4 kèm theo mưa lớn đã làm ảnh hưởng đến hệ thống lưới điện trên địa bàn, ngành Điện lực Hà Tĩnh huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương khắc phục đảm bảo phục vụ điện cho nhân dân, khách hàng.

Chú thích ảnh
Lốc xoáy gây tốc mái nhiều ngôi nhà tại xã Kỳ Hoa, thị xã Kỳ Anh. Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN

Cơn bão số 4 đổ bộ vào Hà Tĩnh lúc đêm khuya ngày 29/8 khiến cây cối gãy, đổ vào hệ thống đường dây điện, nhiều cột điện bị đổ đã làm ảnh hưởng đến 80.000 hộ dân và khách hàng dùng điện.

Ông Phan Đắc Hùng cho biết thêm: Hiện tại 90% khách hàng đã được cấp lại điện vào sáng 30/8, chỉ còn lại vài chục hộ dân ở xã Kỳ Hoa, thị xã Kỳ Anh nơi bị lốc xoáy làm đổ 12 cột điện hạ thế và 500m đường dây bị đứt nên Công ty đang tập trung lực lượng khắc phục tại đây.

Bão số 4 đã làm 10 cột điện đường dây trung thế và 12 cột điện đường dây hạ thế bị đổ, hàng trăm mét đường dây điện bị đứt, làm ảnh hưởng đến hệ thống lưới điện vùng nông thôn các huyện Kỳ Anh, Can Lộc, Hương Khê, Lộc Hà.

Ngành điện đã phải cắt điện trong lúc mưa, bão để tránh gây thiệt hại về người và tài sản. Hiện tại, Công ty Điện lực Hà Tĩnh đã huy động hàng chục cán bộ, công nhân cùng với xe cẩu, xe tải tổ chức dựng lại các cột điện bị đổ do lốc xoáy ở xã Kỳ Hoa; hoàn thành và dự kiến cấp điện cho người dân trong ngày 30/8.

Trước và sau bão số 4, Công ty Điện lực Hà Tĩnh đã huy động toàn bộ cán bộ, công nhân trực 24/24 giờ, khẩn trương khắc phục sự cố ngay trong đêm, đảm bảo phục vụ cho nhân dân và khách hàng.

* Tỉnh Kiên Giang triển khai các phương án nhằm chủ động ứng phó với hoàn lưu bão số 4 có thể gây thiệt hại, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống dân sinh trên địa bàn.

Tỉnh chỉ đạo ngành chức năng trực ban theo dõi chặt chẽ ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão số 4 thông tin cho các ngành, địa phương để ứng phó kịp thời; đồng thời quyết định việc xuất bến của tàu thuyền hoạt động trên sông, biển đảm bảo an toàn tuyệt đối.
 
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với các địa phương khẩn trương kiểm tra, rà soát, đánh giá công trình xung yếu ven biển, cửa sông lớn, cửa biển và khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất bị ảnh hưởng do hoàn lưu bão...

Đặc biệt chủ động mở các cống trên địa bàn huyện Châu Thành, Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành điều tiết nước, chống ngập úng tại những khu vực trũng thấp.
 
Ngoài ra, Sở phối hợp với các đơn vị, địa phương sẵn sàng tham gia ứng cứu và xử lý những tình huống nguy hiểm như: Sơ tán dân đến nơi an toàn; chằng chống nhà cửa, trụ sở, trường học, bệnh viện, công trình công cộng… để hạn chế thiệt hại do dông lốc có thể gây ra, cứu hộ đê sạt lở, chống tràn…
 
Tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố phối hợp với lực lượng chức năng kêu gọi tàu thuyền ngoài khơi thoát khỏi vùng nguy hiểm, tìm nơi tránh trú an toàn. Các địa phương ven biển khẩn trương kiểm tra đoạn đê biển xung yếu, gia cố chống tràn bảo vệ sản xuất, đời sống dân sinh phía bên trong đê; sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng cứu khi xảy ra nước dâng gây tràn, sạt lở đê biển…
 
Địa bàn đảo Phú Quốc tập trung khơi dòng chảy ở các cửa sông, con suối và hệ thống cống thông thoáng để nước thoát nhanh, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ngập cục bộ có thể xảy ra khi mưa lớn kéo dài. Các địa phương chủ động triển khai phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả, tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong công tác này.
 
Ông Nguyễn Huỳnh Trung, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Kiên Giang cho biết: Theo Đài Khí tượng Thủy văn Kiên Giang, gió mùa Tây Nam ở phía Nam đang hoạt động với cường độ mạnh.

Trên địa bàn tỉnh trong ngày 29/8 xuất hiện mưa diện rộng, nhất là tại Hà Tiên, Kiên Lương, Châu Thành, Giang Thành, Gò Quao, Phú Quốc. Dự báo từ đêm 29/8 đến ngày 1/9 trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa diện rộng, mưa vừa và mưa to kèm theo dông lốc, gió giật mạnh có thể gây hại đến sản xuất, ảnh hưởng tới đời sống nhân dân, nhất là đang giai đoạn thu hoạch lúa Hè Thu.
 
Thời gian này có gió Tây Nam cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 nên nguy cơ cao xảy ra nước dâng cao kết hợp với thời điểm đỉnh triều cường và mưa to gây ngập úng. Toàn bộ hoạt động vận tải hành khách từ đất liền ra các đảo thuộc tỉnh Kiên Giang đã tạm dừng hoạt động từ 6 giờ ngày 29/8 cho đến khi có thông tin cuối cùng về thời tiết trên biển nhằm đảm bảo an toàn cho phương tiện hoạt động.

Tường Vũ - Lê Huy Hải (TTXVN)
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiểm tra thực địa ứng phó hoàn lưu sau bão số 4 ở Hà Tĩnh
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiểm tra thực địa ứng phó hoàn lưu sau bão số 4 ở Hà Tĩnh

Sáng 30/8, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Nguyễn Xuân Cường làm Trưởng đoàn, đã đến kiểm tra công tác ứng phó, khắc phục thiệt hại do cơn bão số 4 gây ra tại Hà Tĩnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN