Khai trương Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em - 111

Ngày 6/12, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã khai trương Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em - 111 trên cơ sở nâng cấp từ đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 đã hoạt động hơn 13 năm qua.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam - Chủ tịch Ủy ban quốc gia về trẻ em cùng các đại biểu thực hiện nghi lễ khai trương Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em - 111. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về trẻ em; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban quốc gia về trẻ em; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về trẻ em cùng lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, đại diện thiếu nhi... đã dự lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 góp phần chăm sóc, bảo vệ, đặt trẻ em ở vị ưu tiên hàng đầu của đất nước. Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em là dịch vụ công đặc biệt, có chức năng tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác từ các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân và trẻ em qua điện thoại.

Sự ra đời Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em là sự kiện quan trọng góp phần thực hiện chức năng phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xác minh thông tin, kịp thời cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; cung cấp thông tin, tư vấn về pháp luật, chính sách, kiến thức, kỹ năng về thực hiện quyền trẻ em, tham vấn về tâm lý cho trẻ em, cha mẹ, thành viên gia đình trong chăm sóc trẻ em...

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tin tưởng, với nỗ lực ban đầu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các doanh nghiệp viễn thông, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em sẽ luôn là “người bạn đồng hành cùng trẻ em” và tất cả mọi người quan tâm đến bảo vệ quyền trẻ em, đặc biệt bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bạo lực, xâm hại.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kêu gọi các cơ quan, tổ chức, cá nhân hãy sử dụng số điện thoại 111 để lên tiếng thông tin, thông báo, tố cáo mọi hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em và thực hiện các việc tư vấn kiến thức liên quan.

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thay mặt Ủy ban Quốc gia về trẻ em thông báo kế hoạch hoạt động năm 2018 với một số nội dung cơ bản.

Trong năm 2018, Ủy ban tập trung chỉ đạo việc phối hợp, điều hòa giữa các bộ, ngành, tổ chức và các địa phương trong việc thực hiện mục tiêu của những chương trình, đề án, dự án, kế hoạch về trẻ em Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020, đặc biệt là thực hiện công tác bảo vệ trẻ em tại địa phương và các cơ sở theo quy định của Luật trẻ em, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP; đảm bảo xây dựng môi trường lành mạnh trẻ em phát triển, tạo điều kiện cho mọi trẻ em thực hiện các quyền cơ bản là: quyền sống còn, quyền được phát triển, quyền được bảo vệ, quyền tham gia.

Bên cạnh đó, Ủy ban triển khai các hoạt động liên ngành tăng cường thực hiện các Chỉ thị số 17 năm 2016 và Chỉ thị số 18 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống đuối nước trẻ em; phòng, chống và xử lý nghiêm các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục đối với trẻ em.

Việt Hà (TTXVN)
Để xảy ra bạo hành trẻ em trước hết là trách nhiệm của các cấp chính quyền
Để xảy ra bạo hành trẻ em trước hết là trách nhiệm của các cấp chính quyền

Sáng ngày 6/12, tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 6, HĐND TP Hồ Chí Minh khoá IX, lãnh đạo ngành giáo dục đã giải trình nhiều vấn đề “nóng” liên quan đến chất lượng giáo dục, đặc biệt là ở cấp học mầm non.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN