Ngày 12/9, tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), Viện Hải dương học Nha Trang, thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã khai mạc Hội nghị Quốc tế Biển Đông 2012 với sự tham dự của gần 200 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học của 14 nước trên thế giới và trong nước. Hơn 150 báo cáo, đề tài nghiên cứu khoa học, hội nghị đã đánh giá lại chặng đường 90 năm hoạt động hải dương học trên vùng biển Việt Nam và lân cận của Viện Hải Dương Học Nha Trang. Hội nghị cũng đã thảo luận, đề xuất định hướng phát triển nghiên cứu biển và các chương trình hợp tác giữa Việt Nam với các nước quốc tế. Các chuyên gia, nhà khoa học cũng đồng ý Việt Nam cần một chiến lược đồng bộ để đạt hiệu quả cao trong việc nghiên cứu khoa học biển.
Ban tổ chức khai mạc Hội nghị. Nguồn: qdnd.vn.
|
90 năm qua, Viện Hải dương học Nha Trang đã đóng góp một khối lượng lớn các công trình nghiên cứu cho công cuộc chinh phục, khai thác và bảo vệ biển Đông, bao gồm 1.100 ấn phẩm đã được công bố, trong đó nghiên cứu về tính đa dạng sinh học chiếm trên 62%, về vật lý hải dương chiếm 11,6%, về sinh thái môi trường chiếm 7,6%, về địa chất địa mạo biển chiếm 5,4%...
Nhiều công trình nghiên cứu nói trên được vận dụng vào thực tiễn, tạo hiệu quả cao trong phát triển kinh tế, xã hội cho đất nước.
Ông Võ Sĩ Tuấn, Viện phó Viện Hải dương học Nha Trang cho biết: Trong thời gian tới, Viện tiếp tục nghiên cứu các công trình khoa học cơ bản về hải dương học, nghiên cứu đa dạng sinh học, nguồn lợi sinh vật biển, khoa học về ứng dụng quản lý và công nghệ biển. Theo đánh giá của Viện, hiện nay, những đề tài nghiên cứu về biển ở nước ta đầu tư khá dàn trải, mạnh ai nấy làm, thiếu tính hệ thống. Do đó, Nhà nước cần có một chiến lược nghiên cứu biển một cách đồng bộ, có mục tiêu cụ thể để phát huy hết tiềm năng của một quốc gia có thế mạnh về biển.
Ông Nguyễn Tác An, Chủ tịch Ủy ban Hải dương học liên chính phủ (IOC) tại Việt Nam (Ủy ban thuộc UNESCO) cho rằng: Việt Nam cần thiết lồng ghép các nội dung, nhiệm vụ nghiên cứu biển của mình vào khung chiến lược trung hạn của Ủy ban Hải dương học liên chính phủ.
Đặc biệt, Việt Nam cần liên kết, phối hợp với các chương trình nghiên cứu khu vực Tây Thái Bình Dương (IOC/WESTPAC) trong những năm tới trên nhiều lĩnh vực như: giảm nhẹ tác động do biến đổi khí hậu toàn cầu; cảnh báo và giảm thiểu thiên tai; giữ gìn hệ sinh thái đại dương; xây dựng thể thức, chính sách phục vụ quản lý bền vững môi trường, tài nguyên ven bờ, vùng biển, đại dương… Việc lồng ghép này sẽ mang lại những giá trị thực tiễn và nâng tầm uy tín của Việt Nam trong nghiên cứu hải dương học ở khu vực và quốc tế.
Dự kiến, Hội nghị tiếp tục diễn ra đến hết ngày 14/9.
TTXVN/ Tin Tức