Sự kiện do Tỉnh ủy Tiền Giang, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức, nhân kỷ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Thị Thập (1908 - 2023).
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được nhiều bài viết, tham luận có giá trị lịch sử, khoa học được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, tâm huyết của các nhà nghiên cứu lịch sử, đại diện Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ban, sở, ngành tỉnh Tiền Giang, Hội Liên hiệp Phụ nữ Tiền Giang…
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, với hai chủ đề trọng tâm là: “Cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến của đồng chí Nguyễn Thị Thập đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, phong trào phụ nữ và quê hương Tiền Giang” và “Cuộc đời và sự nghiệp đồng chí Nguyễn Thị Thập - Tấm gương sáng cho các thế hệ phụ nữ thời đại mới”, Hội thảo tập trung khắc họa đậm nét chân dung đồng chí Nguyễn Thị Thập, người nữ chiến sĩ cách mạng kiên trung, người nữ lãnh đạo xuất sắc, người đại biểu nhân dân; chân dung Người mẹ Việt Nam Anh hùng, người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu của thế kỷ XX.
Hội thảo là cơ hội để các thế hệ hôm nay lắng nghe, chia sẻ, ôn lại những kỷ niệm, câu chuyện xúc động từ đồng chí, đồng nghiệp và người thân trong gia đình về đồng chí Nguyễn Thị Thập.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga đánh giá, thông qua các tham luận đóng góp tại Hội thảo, những thông tin, tư liệu khoa học đã làm sáng tỏ thêm về cuộc đời, thân thế và tấm gương đạo đức cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Thập; khẳng định những đóng góp của đồng chí với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, phong trào phụ nữ, quê hương Tiền Giang. Qua đó, bồi đắp lòng tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân và các thế hệ phụ nữ Việt Nam tiếp tục phát huy công sức, trí tuệ xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phồn vinh, hạnh phúc như lời dạy của Bác Hồ kính yêu ngày nào.
Học tập tấm gương của đồng chí Nguyễn Thị Thập, trong thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục triển khai các chương trình hành động cách mạng, phát huy mạnh mẽ vai trò nòng cốt chính trị trong công tác phụ nữ, góp phần xây dựng hình tượng người phụ nữ Việt Nam mới, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga khẳng định.
Tại Hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tiền Giang Võ Văn Bình đánh giá các phát biểu tham luận, báo cáo khoa học tại Hội thảo góp phần khẳng định thêm những đóng góp to lớn, hết sức quý báu, có giá trị lịch sử, những dấu ấn về chân dung của một vị lãnh đạo Hội xuất sắc trong sự nghiệp giải phóng phụ nữ nói chung và phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” nói riêng; tô đậm chân dung người đại biểu của nhân dân, người chiến sĩ cộng sản kiên trung đầu tiên của Nam Bộ được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng; chân dung một Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cao cả, tài năng, đức độ nhưng vô cùng giản dị…
Đây là hành trang quý báu để các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo, có thêm động lực, niềm tin, không ngừng phấn đấu vươn lên, phát huy trí tuệ, tài năng, sáng tạo, cùng chung tay thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp.
Qua Hội thảo, Tiền Giang tiếp tục cập nhật, bổ sung thêm nguồn tư liệu lịch sử của địa phương; tìm hiểu thêm về vùng đất và con người xuất sắc của quê hương Tiền Giang - là cái nôi của cuộc khởi nghĩa ở Nam kỳ. Từ đó, góp thêm ý kiến cho định hướng phát triển của tỉnh xứng tầm với địa phương có bề dày lịch sử, là một trong những nơi hình thành đô thị đầu tiên ở Nam Bộ.
Tham gia đóng góp tại Hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang Châu Thị Mỹ Phương cho rằng, tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng, mẫu mực của đồng chí Nguyễn Thị Thập có ý nghĩa sâu sắc trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị hiện nay. Tấm gương đồng chí góp phần động viên, thôi thúc mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, kiên quyết đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Học tập tấm gương đồng chí Nguyễn Thị Thập, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Tiền Giang tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đồng chí Nguyễn Thị Thập, tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Tốt, sinh ra trong một gia đình nông dân ở xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Đồng chí tham gia cách mạng năm 1929 và đến năm 1931 được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Thị Thập có chồng và hai con trai hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Nguyễn Thị Thập được giao đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng: Bí thư Đảng đoàn phụ nữ kiêm Trưởng ban Phụ vận Trung ương Đảng; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ khóa II đến khóa IV, được bầu vào Quốc hội từ khóa I đến khóa VI, giữ chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội từ khóa III đến khóa VI, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam từ năm 1956 đến năm 1974…
Đồng chí vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Tài năng, đức độ và phẩm chất cách mạng của Đồng chí Nguyễn Thị Thập đã tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam; trở thành niềm tự hào, nguồn động lực to lớn cho các thế hệ cán bộ hội viên, phụ nữ cả nước ra sức thi đua cống hiến xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng tươi đẹp...