Kết nối ứng dụng thông minh để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng

Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", Việt Nam đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào việc ngăn ngừa dịch COVID-19 lây lan.

Mới đây, ứng dụng Bluezone có khả năng cảnh báo sớm cho người dùng khi những người họ từng tiếp xúc mắc COVID-19. Hiện ứng dụng này đã được giới thiệu các tính năng và dự kiến sẽ sớm được triển khai rộng trên các thiết bị điện thoại thông minh.

Hỗ trợ ngăn dịch COVID-19 lây lan

Hiện nay, cuộc chiến chống COVID-19 đặt ra mục tiêu phát hiện những người tiếp xúc gần với người dương tính  nhanh chóng, chính xác và ít tốn kém nhất. Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông Tin và Truyền thông) Nguyễn Huy Dũng khẳng định: Chỉ có áp dụng công nghệ thông tin mới giải quyết được vấn đề này.

Chú thích ảnh
Việc tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và 3 bệnh viện vệ tinh được thực hiện trực tuyến dưới sự hỗ trợ của nền tảng công nghệ. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Tập hợp trí tuệ của nhiều nhóm phát triển ứng dụng y tế từ các doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam gồm: Memozone, VNPT, MobiFone và BKAV, ứng dụng Bluezone có nhiều ưu điểm trong việc giải quyết bài toán tìm ra các đối tượng có tiếp xúc gần với nguồn lây.

Tên gọi ứng dụng Bluezone xuất phát từ tên công nghệ được sử dụng chính của ứng dụng. Trong đó, "Blue" là từ tên của công nghệ Bluetooth - một chuẩn công nghệ truyền thông không dây tầm gần giữa các thiết bị điện tử. “Zone” có nghĩa là cộng đồng. Bluezone được hiểu tổng quan là ứng dụng sử dụng công nghệ định vị Bluetooth năng lượng thấp BLE (Bluetooth low energy) để phát hiện ra cộng đồng an toàn.

Ông Nguyễn Huy Dũng cho biết, hiện nay, trên thế giới có 3 phương pháp để xác định vị trí của một vật, một đối tượng. Thứ nhất là sử dụng hệ thống định vị toàn cầu GPS (Global Positioning System). Tại Việt Nam, NCOVI là ứng dụng khai báo y tế tự nguyện đang sử dụng công nghệ này với khoảng 7 triệu người dùng. Ưu điểm khi áp dụng GPS là ứng dụng cho phép xác định chính xác vị trí của đối tượng cần tìm. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất là khi ứng dụng công khai vị trí, lịch trình di chuyển của cá nhân sẽ ảnh hưởng quyền riêng tư. Chính vì vậy, nhiều người không muốn hoặc e ngại khi sử dụng ứng dụng NCOVI.

Thứ 2 là công nghệ định vị bằng các trạm gốc thu phát sóng BTS (Base Transceiver Station) do các doanh nghiệp viễn thông di động cung cấp. Công nghệ này cho phép xác định được khu vực địa lý có đông người tụ tập để tiến hành việc đo độ giãn cách xã hội. Nhưng nhược điểm là trạm BTS được đặt theo khu vực địa lý, có thể khoanh vùng rộng nhưng độ chính xác đến từng đối tượng là không cao.

Thứ 3 là công nghệ Bluetooth để xác định những mối quan hệ tiếp xúc gần của thiết bị. Đây là giải pháp mới, được nhiều nước tại châu Âu, Hoa Kỳ và Singapore áp dụng. Trên thế giới, nhóm nghiên cứu của Học viện công nghệ Massachusetts (Hoa Kỳ) là nhóm đầu tiên sử dụng công nghệ này để phát triển các ứng dụng. Tại châu Á, Singapore là quốc gia đầu tiên sử dụng công nghệ này để  thiết kế ứng dụng tìm người. Hiện đã có hơn 1 triệu người, tương đương 20% dân số tại Singapore cài đặt ứng dụng này. 

Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Huy Dũng chia sẻ: Đây là công nghệ tối ưu, giúp kiểm soát các tiếp xúc gần. Từ việc kiểm soát được các tiếp xúc gần, khi phát hiện trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, thì thay vì phải cách ly nhiều người, thậm chí hàng nghìn người thì chúng ta chỉ cách ly số người có tiếp xúc gần.

Theo kinh nghiệm của các nước đã triển khai, ứng dụng sẽ phát huy tối ưu hiệu quả nếu khoảng 60% dân số trưởng thành cài đặt và sử dụng. Mới đây, Vương quốc Anh cho biết, trong một tháng tới, quốc gia này đặt mục tiêu 50% dân số trưởng thành sẽ cài đặt ứng dụng dùng công nghệ Bluetooth.

Tại Việt Nam, ước tính nếu 30 triệu người (khoảng 60% dân số ở độ tuổi trưởng thành) cài đặt và sử dụng ứng dụng Bluezone, ứng dụng này sẽ phát huy tối ưu hiệu quả trong việc phát hiện sớm những ca tiếp xúc gần với nguồn bệnh. 

Bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng

Đánh giá về ứng dụng Bluezone, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định: "Việc ra mắt ứng dụng giúp người dân xác định sự tiếp xúc gần, bảo vệ thông tin cá nhân, hết sức có ý nghĩa, kịp thời cung cấp cho người dân thêm một công cụ để tự bảo vệ mình cũng như bảo vệ cộng đồng. Đây cũng là xu hướng chung mà nhiều nước, nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đang thực hiện trong việc phòng chống dịch bệnh".

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ khai trương Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa và ứng dụng Bluezone bảo vệ cộng đồng trong phòng, chống dịch COVID-19, ngày 18/4/2020. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Diễn giải về cách thức hoạt động của ứng dụng Bluezone, Giám đốc điều hành Tập đoàn công nghệ BKAV Nguyễn Từ Quảng chia sẻ: Đầu tiên là người dân sẽ tham gia vào “cộng đồng bluezone” bằng cách cài đặt ứng dụng từ trên kho ứng dụng Apple store hoặc Google play và tiến hành kích hoạt sử dụng. Trong quá trình sinh hoạt hàng ngày, khi người dân tiếp xúc với nhau cũng có nghĩa là các thiết bị sẽ tự “nói chuyện” với nhau. Khi phát hiện ra có tiếp xúc gần trong khoảng cách 2m, thì 2 thiết bị sẽ ghi nhận nhật ký tiếp xúc.

Nếu một người được ghi nhận mắc COVID-19 (được gọi là F0) thì cơ quan y tế có thẩm quyền sẽ nhập dữ liệu về cá nhân này lên hệ thống. Hệ thống sẽ gửi dữ liệu của F0 đến tất cả các máy điện thoại trong cộng đồng Bluezone. Trong nội bộ phần mềm Bluezone trên điện thoại sẽ so sánh dữ liệu của chủ điện thoại với F0 theo lịch sử tiếp xúc được lưu trên máy điện thoại cá nhân của người sử dụng. Nếu dữ liệu F0 khớp với lịch sử tiếp xúc về 2 thông số là khoảng cách gần và thời gian đủ lớn thì hệ thống sẽ gửi thông báo cho người sử dụng biết có nguy cơ là F1 – người tiếp xúc gần với F0 tại thời điểm nào và trong bao lâu.

Ứng dụng Bluezone cũng đưa thông tin của cơ quan y tế, chính quyền và khuyến cáo những người thuộc diện F1 đến cơ sở y tế có thẩm quyền để được hướng dẫn, trợ giúp. Cơ quan y tế có thẩm quyền sau khi tiến hành các thử nghiệm sẽ quyết định về việc tiến hành nhập thông tin về F1 lên hệ thống. Từ F1, theo cách tượng tự sẽ có thông tin các F2,  F3 trong thời gian rất nhanh.

Ông Nguyễn Từ Quảng nhấn mạnh: Đây là ứng dụng bảo vệ cho chính người dùng điện thoại, sau đó là bảo vệ cộng đồng. Ứng dụng mang đến quyền lợi trực tiếp cho người sử dụng thiết bị di động và người dùng ngay lập tức tự xác định được mình là đối tượng có khả năng mắc COVID-19 do tiếp xúc gần với nguồn bệnh hay không. Khi cá nhân tự bảo vệ mình thông qua ứng dụng được kết nối với hệ thống mà hệ thống đủ rộng thì cộng đồng sẽ được bảo vệ.

Điểm ưu việt của ứng dụng Bluezone là nguyên tắc hoạt đông dựa trên các tiêu chí bảo mật, ẩn danh và minh bạch. Tính bảo mật dữ liệu của Bluezone thể hiện rõ ràng nhất trên khía cạnh: Ứng dụng chỉ lưu dữ liệu trên điện thoại của người dùng, không chuyển lên hệ thống. Chỉ khi có người mắc COVID-19 thì dữ liệu mới được đưa lên hệ thống để giúp xác định các trường hợp tiếp xúc gần.

Ứng dụng Bluezone không thu thập vị trí của người dùng mà chỉ ghi nhận thời điểm, thời gian có sự gặp gỡ giữa các đối tượng, không định vị vị trí gặp gỡ nên lịch trình di chuyển của người sử dụng sẽ được bảo mật.

Ngoài ra, mỗi người dùng sẽ có một tài khoản định danh ID để ẩn danh tính thực. Từ thông tin ID được gửi trên hệ thống, người dùng biết là đã tiếp xúc với ID được cảnh báo, nhưng không biết thông tin ID đó thuộc về người nào. Chỉ cơ quan y tế có thẩm quyền mới được biết danh tính của những người nhiễm và nghi nhiễm do tiếp xúc gần với người nhiễm COVID-19.

Nhấn mạnh về tính minh bạch của ứng dụng, ông Nguyễn Từ Quảng cho biết, BKAV cung cấp mã nguồn mở của ứng dụng Bluezone. Người dùng các nước trên thế giới được tự do tìm hiểu hoạt động hệ thống ở mức mã nguồn, được tự do sử dụng, nghiên cứu, sửa đổi và chia sẻ. Đây cũng chính là cách Việt Nam, bằng ứng dụng “Make in Vietnam” hỗ trợ các quốc gia trên toàn thế giới tham khảo cách phòng dịch COVID-19.  

Khi sử dụng ứng dụng Bluezone, người dùng không nhất thiết phải bật Bluetooth điện thoại di động bởi bản thân ứng dụng sử dụng công nghệ định vị Bluetooth năng lượng thấp. Tuy nhiên, mức tiêu thụ năng lượng của ứng dụng này khi hoạt động 24/24h trên thiết bị di động sẽ tiêu tốn một lượng pin tương đối lớn.. 

Đến thời điểm này, Bluezone được cung cấp trên địa chỉ https://bluezone.vn/, tên miền quốc tế dự kiến là Bluezone.ai. Ứng dụng (App) trên điện thoại di động đối với hệ điều hành IOS và Android đang được các đơn vị tích cực thực hiện để đưa lên kho ứng dụng của Apple store và Google play. 

Ông Nguyễn Từ Quảng chia sẻ, chống dịch COVID-19 nên sử dụng cơ chế lan truyền của virus SARS-CoV-2, sử dụng sức mạnh của cộng đồng, lan tỏa số người cài đặt và sử dụng ứng dụng Bluezone theo cấp số nhân để chống lại sự lây lan của virus. Nếu cứ 1 người sử dụng Bluezone và cài ứng dụng cho 3 người khác, thì trong 17 ngày, cộng đồng Việt Nam có thể đạt số người đủ để ứng dụng phát huy tối ưu hiệu quả. 

Để ngăn ngừa và kiểm soát các nguy cơ lây lan dịch COVID-19 trước khi chính thức có vắc xin phòng bệnh, người dân vẫn cần chú ý thực hiện các biện pháp y tế cần thiết như khuyến cáo của Bộ Y tế. Với sự trợ giúp của ứng dụng Bluezone, người dân có thể tự bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng trước dịch bệnh nguy hiểm này.

Ngọc Bích (TTXVN)
Ứng dụng Bluezone cảnh báo khi tiếp xúc gần với các F0, F1 và F2 như thế nào?
Ứng dụng Bluezone cảnh báo khi tiếp xúc gần với các F0, F1 và F2 như thế nào?

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa giới thiệu ứng dụng Bluezone giúp người dân cảnh báo các ca F thuộc diện cách ly, qua đó bảo vệ bản thân và cộng đồng trước đại dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN