Bên cạnh hoạt động trợ cấp đột xuất cho các địa phương bị thiên tai, cả nước có gần 2,7 triệu đối tượng được trợ cấp hàng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế với tổng kinh phí 15 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó là mạng lưới 418 cơ sở trợ giúp xã hội đang nuôi dưỡng, chăm sóc trên 42 nghìn người.
Ngân hàng Chính sách xã hội tặng quà cho các hộ nghèo tại xã xã Pa Tần, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. (Nguồn: Ngân hàng Chính sách). Ảnh: TTXVN |
Trong lĩnh vực lao động việc làm, tỷ lệ thất nghiệp được duy trì ở mức thấp (2,34% tại thời điểm quý III/2016); khoảng 1,5 triệu lao động được hỗ trợ tạo việc làm trong nước; gần 3 triệu lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm mới qua hệ thống các trung tâm, trong đó 939 nghìn người có việc làm mới. Các nguồn lực, kinh phí dành cho dự án, chương trình hỗ trợ tạo việc làm từ ngân sách trung ương và địa phương còn thấp, chậm bố trí, giải ngân.
Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội tăng thêm 1,96% so với năm 2015, tương đương 13,1 triệu người, bằng 24,19% lực lượng lao động. Ngành lao động, bảo hiểm vẫn chưa có giải pháp hiệu quả để mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội đối với lực lượng lao động ở khu vực phi chính thức, trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong lĩnh vực giảm nghèo, dư nợ vốn vay ưu đãi đối với 862.000 lượt hộ nghèo, mới thoát nghèo, cận nghèo và 21 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn lần đầu trong năm đạt hơn 27.321 tỷ đồng; hơn 10 nghìn hộ nghèo nông thôn, 12 nghìn hộ nghèo ở vùng hay bị lũ lụt được hỗ trợ xây dựng nhà ở. Các dự án thuộc Chương trình 30a, 135, chính sách đặc thù cho vùng dân tộc thiểu số… đang tiếp tục được triển khai với tổng kinh phí trên 7.000 tỷ đồng. Ước đến cuối năm 2016, tỷ lệ nghèo cả nước còn dưới 9%, giảm khoảng 1,3-1,5% so với năm 2015. Tuy nhiên, ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn cao, nhiều nơi trên 50%...
Bên cạnh các kết quả đạt được, các thành viên Ban Chỉ đạo đã chỉ ra một số hạn chế trong quá trình triển khai Nghị quyết 70, như: một số chỉ tiêu không hoàn thành so với mục tiêu đề ra (tỷ lệ việc làm trong nông nghiệp, tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội). Một số chương trình an sinh xã hội chưa thực sự hiệu quả, phê duyệt, triển khai chậm và chưa được bố trí kinh phí kịp thời. Nhiều chính sách tốt được ban hành nhưng nguồn lực thực hiện thiếu hoặc không có, nhiều địa phương không chủ động bố trí đủ kinh phí từ ngân sách địa phương mà chỉ tập trung vào những vấn đề bức xúc trước mắt nên dẫn đến kết quả hạn chế so với mục tiêu đặt ra. Đây là những vấn đề cần được làm rõ, phân tích thấu đáo, có số liệu chứng minh cụ thể để đề ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Kết luận cuộc họp, ngoài những nhiệm vụ do Thường trực Ban Chỉ đạo đề xuất trong năm 2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, ngành tập trung rà soát, hoàn thiện các chính sách xã hội về ưu đãi người có công; thực hiện tốt công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin; hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; sửa đổi một số quy định về bảo hiểm…
Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần có những cơ chế, giải pháp quyết liệt, phối hợp với các doanh nghiệp bảo hiểm khác để tăng tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, nhất là trong khu vực lao động phi chính thức. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần quyết liệt, sâu sát, đổi mới hơn nữa khi thực hiện công tác an sinh xã hội.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tin học hóa quản lý cơ sở dữ liệu các đối tượng chính sách xã hội nhằm công khai, minh bạch trong triển khai các chương trình; rà soát, tránh trùng lắp trong hỗ trợ. Các doanh nghiệp cần được khuyến khích, tạo điều kiện tham gia để hoạt động chi trả cho đối tượng trợ cấp xã hội chính xác, kịp thời, sâu sát hơn nữa.
Phó Thủ tướng gợi ý Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu cơ chế huy động doanh nghiệp, người dân, cộng đồng trong công tác vận động và tự quản lý hiệu quả các nguồn lực, tài chính dành cho những đối tượng khó khăn, người nghèo, các chương trình thiện nguyện …
Đối với lĩnh vực y tế, giáo dục, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo cần quán triệt tinh thần quyết tâm thực hiện công tác lập hồ sơ quản lý sức khỏe đến từng người dân gắn với thực hiện bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe toàn dân; tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện dạy, học ở những thôn, bản, xã khó khăn nhất ở miền núi, vùng sâu, vùng xa; ưu tiên các chương trình an sinh xã hội ở những vùng hay bị thiên tai, bão lũ; tiếp tục đổi mới, chấn chỉnh hoạt động dạy nghề nông thôn trang bị các kỹ năng, kỹ thuật, công nghệ cần thiết để bà con nông dân lao động hiệu quả hơn; dành nguồn lực thích đáng để giải quyết các vấn đề "nóng'' ở đô thị như ma túy, an ninh trật tự, nếp sống văn minh…