Trong bối cảnh thế giới đang chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, nhằm nâng cao khả năng thích ứng, khắc phục khó khăn, cùng nhau tìm kiếm một mô hình hợp tác năng động, hiệu quả, sáng tạo hơn trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và châu Phi, chiều 9/9, đông đảo đại biểu từ nhiều đầu cầu tại Việt Nam và trên thế giới đã tham dự Hội thảo trực tuyến “Hợp tác nông nghiệp Việt Nam - châu Phi: Tăng cường kết nối, cùng phát triển bền vững”. Hội thảo do Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ phối hợp tổ chức.
Coi nông nghiệp là lĩnh vực then chốt của nền kinh tế
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, tuy cách xa về địa lý nhưng nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước châu Phi luôn dành cho nhau tình cảm tốt đẹp. Việt Nam trân trọng mối quan hệ hữu nghị truyền thống, thủy chung với các quốc gia châu Phi, vốn được xây dựng trên những giá trị chung là khát vọng độc lập, tự do, hòa bình, phát triển và sự ủng hộ chí tình dành cho nhau trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Trên nền tảng hết sức quý báu đó, hợp tác Việt Nam - châu Phi không ngừng được củng cố và mở rộng, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hầu hết các quốc gia châu Phi; phối hợp chặt chẽ với các nước châu Phi tại Liên hợp quốc trong giải quyết các vấn đề quốc tế và toàn cầu, tích cực tham gia các nỗ lực gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan.
Hợp tác thương mại, đầu tư, viễn thông, y tế, giáo dục... không ngừng được mở rộng. Đặc biệt, lĩnh vực nông nghiệp đã trở thành điểm sáng trong hợp tác Việt Nam - châu Phi, được đánh giá là hình mẫu cho hợp tác Nam - Nam với hàng chục dự án được triển khai trong khuôn khổ song phương, ba bên và bốn bên, đóng góp tích cực vào đảm bảo an ninh lương thực của nhiều quốc gia châu Phi. Việt Nam và nhiều nước châu Phi cũng trở thành đối tác thương mại nông sản hàng đầu của nhau, tiêu biểu có gạo, điều, cà phê...
“Có thể nói, quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và các nước châu Phi đã đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển của mỗi quốc gia, góp phần bảo vệ lợi ích chung của các nước đang phát triển. Tuy nhiên, kết quả hợp tác nhìn chung vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng to lớn và mong muốn của mỗi bên”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhận xét.
Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, trong những năm qua, Việt Nam đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đạt được những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì liên tục ở mức cao, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Việt Nam hiện là thành viên của 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)...
Năm 2020, bất chấp tác động tiêu cực của COVID-19 và thiên tai, Việt Nam nằm trong số ít các quốc gia có tăng trưởng kinh tế dương. Đặc biệt, xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam đạt mức kỷ lục 41,25 tỷ USD, tăng 2,5% so với năm 2019, đưa Việt Nam thành quốc gia xuất khẩu nông sản đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới. Về phía châu Phi, với hơn 1,3 tỷ dân, tập trung lực lượng lớn lao động trẻ và nhiều nền kinh tế năng động, cùng với xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển, châu lục đang dần khẳng định vai trò là một động lực tăng trưởng của thế giới. Hiệp định thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA) vừa có hiệu lực từ tháng 1/2021, hứa hẹn thúc đẩy kinh tế châu Phi tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong nhiều thập kỷ tới.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, Việt Nam và các quốc gia châu Phi đều coi nông nghiệp là lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Với Việt Nam, nông nghiệp không chỉ có vai trò đặc biệt quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực, phát biển bền vững trong nước, mà còn đóng góp vào hệ thống lương thực, thực phẩm toàn cầu. Trong thời gian tới, Việt Nam chủ trương phát triển nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại, thông minh, gắn kết với thị trường quốc tế và thích ứng biến đổi khí hậu.
“Đại dịch COVID-19 càng cho thấy tầm quan trọng của an ninh lương thực và vai trò đặc biệt của ngành nông nghiệp, chuỗi cung ứng nông nghiệp địa phương và toàn cầu. Sự phục hồi bền vững của các nền kinh tế giai đoạn hậu COVID-19, đặc biệt là những quốc gia đang phát triển như Việt Nam và các quốc gia châu Phi, phụ thuộc rất lớn vào sự phát triển của ngành nông nghiệp”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhận xét.
Việt Nam luôn coi trọng việc làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hợp tác truyền thống, hữu nghị với các quốc gia châu Phi. Với tiềm năng to lớn và nền tảng quan hệ tốt đẹp, trên cơ sở phát huy thế mạnh của mỗi bên và ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp là hết sức to lớn, làm tiền đề để hai bên cùng hướng tới thực hiện thành công các mục tiêu SDGs 2030 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, với tinh thần “ngoại giao phục vụ phát triển”, Bộ Ngoại giao cùng mạng lưới gần 100 cơ quan đại diện trên toàn thế giới, trong đó có 8 Đại sứ quán thường trú tại châu Phi, sẽ luôn đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp Việt Nam, các đối tác châu Phi và quốc tế, tạo môi trường thuận lợi nhằm đẩy mạnh hơn nữa hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và châu Phi nói chung và hợp tác nông nghiệp giữa hai bên nói riêng.
Thách thức và cơ hội cho hợp tác trong tình hình mới
Chia sẻ tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam đã cử gần 500 chuyên gia sang hỗ trợ phát triển nông nghiệp tại nhiều nước châu Phi như Mozambique, Benin, Guinea, Senegal... Với sự trợ giúp của chuyên gia nông nghiệp Việt Nam, năng suất lúa, rau màu, nuôi trồng thủy sản tại các dự án thí điểm đều tăng cao, từng bước chuyển giao kỹ thuật, góp phần hỗ trợ các nước châu Phi giải quyết an ninh lương thực.
Bên cạnh đó, kim ngạch thương mại hàng nông sản cũng không ngừng tăng trưởng. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang châu Phi đạt gần 950 triệu USD, chiếm hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang châu Phi, với các mặt hàng chính là gạo, cà phê, thủy sản… Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu 1,4 tỷ USD hàng nông, lâm, thủy sản từ hâu Phi, trong đó trên 80% là mặt hàng hạt điều.
Đánh giá nông nghiệp Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm, ổn định xã hội và sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn và đóng góp 14,85% GDP của quốc gia, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định, mặc dù bị tác động của đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu, thiên tai, nhưng nông nghiệp Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương, đạt 2,68% trong năm 2020. Ngoài đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm cho gần 100 triệu dân, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam đạt 41,53 tỷ USD, tăng 3,3% so với năm 2019. Riêng 8 tháng năm 2021, xuất khẩu nông sản đạt 32,1 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước.
Lục địa châu Phi với dân số hơn 1,3 tỷ người và nguồn tài nguyên đất đai dồi dào là tiềm năng để hợp tác phát triển toàn diện trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và châu Phi. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cử nhiều đoàn sang khảo sát, xây dựng dự án khả thi ở Angola, Tanzania, Cameroon…
Tuy vậy, sự hợp tác giữa Việt Nam với các nước khu vực châu Phi còn gặp không ít khó khăn, trở ngại. Đó là, thiếu thông tin và sự hiểu biết sâu về thị trường, tập quán kinh doanh và pháp luật của nhau; xa cách về địa lý; mạng lưới các cơ quan đại diện còn thiếu, các cơ chế hợp tác song phương chưa phát huy hết vai trò trong thúc đẩy hợp tác. Mặt khác, liên kết kinh tế giữa khu vực châu Phi với khu vực Đông Nam Á nói chung và với Việt Nam nói riêng còn hạn chế…
Nêu một số định hướng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian tới, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, hai bên cần tiếp tục tăng cường các mô hình hợp tác Nam - Nam (ba bên, bốn bên…) chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ, khuyến nông trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nhằm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp cho các nước châu Phi, góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho mỗi quốc gia. Các bên cùng nhau kêu gọi các nước phát triển, các tổ chức quốc tế hỗ trợ tài chính cho những hợp tác này. Việt Nam sẵn sàng cử các chuyên gia, kỹ thuật viên có trình độ cao sang hỗ trợ.
Cùng với đó, tăng cường trao đổi thương mại, đặc biệt là thương mại nông, lâm, thủy sản, thông qua các diễn đàn, chương trình xúc tiến giữa các cơ quan hữu quan, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng Việt Nam và châu Phi để các bên chia sẻ thông tin thị trường, tập quán kinh doanh và hệ thống pháp luật của nhau. Trong đó, cần nhấn mạnh vai trò quan trọng của các cơ quan đại diện ngoại giao của mỗi bên nhằm hỗ trợ doanh nghiệp các bên kết nối giao thương.
Cũng theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, cần thiết phải xây dựng mô hình thí điểm hợp tác công tư (PPP) đầu tư vào sản xuất và chế biến nông sản tại một số nước châu Phi, ưu tiên các ngành hàng Việt Nam có thế mạnh về công nghệ và có nhu cầu tiêu thụ như: lúa gạo, cao su, cà phê, hạt điều, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
“Việt Nam cam kết mạnh mẽ trong việc hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, các kinh nghiệm sản xuất, các bài học thành công của Việt Nam trong nông nghiệp cho các nước châu Phi. Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam sẽ đề xuất với Chính phủ thành lập Trung tâm hợp tác Nam – Nam, với mục tiêu chính là thúc đẩy hợp tác nông nghiệp với các nước châu Phi. Trung tâm sẽ là đầu mối xây dựng và thực hiện các hoạt động hợp tác với các nước châu Phi từ chuyển giao công nghệ, kỹ thuật canh tác đến thúc đẩy giao thương hàng nông sản và tìm kiếm cơ hội đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp của cả hai bên”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nêu rõ.
Đánh giá Việt Nam có mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Nông - Lâm nghiệp Sierra Leone Abu Bakarr Karim cho biết, ngành nông nghiệp nước này sẽ đi theo mô hình phát triển hiệu quả của Việt Nam, từ đó đạt được mục tiêu Tầm nhìn 2050 có một nền kinh tế hiện đại, có giá trị gia tăng, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình với GDP tăng gấp 10 lần hiện nay.
Theo ông Abu Bakarr Karim, đất nước Sierra Leone có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú với hơn 5 triệu ha đất canh tác, 85% trong số này chưa được khai hoang. Do đó, hiện đại hóa ngành nông nghiệp đối với Sierra Leone là rất quan trọng khi giá lương thực toàn cầu dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong vòng 20-30 năm tới. Sierra Leone có thể sẽ trở thành một cường quốc sản xuất nông nghiệp toàn cầu trong thế kỷ XXI bắt đầu từ việc trồng lúa thương phẩm quy mô lớn, nuôi trồng thủy sản, tập trung canh tác các loại cây trồng chủ lực, lâm nghiệp và chăn nuôi thương mại quy mô lớn...
Đại biểu dự Hội thảo đã cùng đánh giá những thách thức và cơ hội đặt ra cho hợp tác nông nghiệp Việt Nam - châu Phi trong tình hình mới; các biện pháp thúc đẩy và mở rộng thương mại nông sản, nhất là đẩy mạnh xuất, nhập khẩu những mặt hàng nông sản chủ lực của mỗi bên thông qua tăng cường kết nối thị trường, doanh nghiệp, trong đó có khả năng khai thác các nền tảng kỹ thuật số. Đồng thời, xác định các định hướng lớn thúc đẩy hợp tác phát triển sản xuất nông nghiệp; đề xuất các cơ chế, chính sách và giải pháp tài chính, nguồn nhân lực... hỗ trợ các dự án hợp tác sản xuất, chế biến nông sản với châu Phi.
Đại biểu cũng chia sẻ các mô hình, dự án hợp tác nông nghiệp thành công; đề xuất các sáng kiến và biện pháp cụ thể nhằm tạo đột phá trong hợp tác nông nghiệp Việt Nam - châu Phi, đặc biệt thông qua phát huy hơn nữa vai trò của khu vực tư nhân, địa phương, các viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo.