Nhà báo lão thành Nga từng nhiều năm theo dõi về Việt Nam, rành tiếng Việt và đang làm việc tại Đài phát thanh "Tiếng nói nước Nga", ông Alekssey Sjunnerberg, nhận xét: Việt Nam không chỉ là nước XHCN duy nhất đang trả món nợ tồn đọng từ thời Liên Xô cũ cho Nga thông qua việc cung cấp hàng tiêu dùng và lương thực - thực phẩm, mà còn là nước hữu nghị duy nhất đang mang lại cho Nga nguồn thu 800 triệu - 1 tỷ USD/năm từ sự hợp tác về dầu khí.
Nhà báo Nga vốn coi Việt Nam là tổ quốc thứ hai của mình khẳng định hợp tác dầu khí và năng lượng giữa Nga và Việt Nam đang "đơm hoa kết trái" và hứa hẹn sẽ giành nhiều thành tích lớn hơn nữa trong tương lai. Ông kể với chúng tôi ông từng chứng kiến lễ ký hiệp định thành lập Xí nghiệp liên doanh dầu khí Vietsopetro năm 1980 cùng lễ ký hiệp định ngày 27/12/2010 tại Hà Nội nhằm gia hạn thời gian hoạt động của "đứa con cưng của hai nước" đến ngày 31/12/2030.
Hai giàn khoan khai thác dầu khí của Vietsopetro ở thềm lục địa Việt Nam. Ảnh: TTXVN |
Không ngẫu nhiên nhà báo Sjunnerberg ca ngợi thành tích to lớn của sự hợp tác dầu khí Nga - Việt. Qua 30 năm hoạt động, Vietsopetro đã khai thác gần 200 triệu tấn dầu mỏ, chiếm gần 60% tổng sản lượng dầu mỏ và gần 100% tổng sản lượng khí đốt của Việt Nam. Hiện Vietsopetro đã trở thành ngọn cờ đầu của ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam và lọt vào nhóm 10 công ty khai thác dầu khí đạt hiệu quả kinh tế cao nhất thế giới.
Hai nước không chỉ có duy nhất "một con cưng" trong ngành thăm dò và khai thác dầu khí, mà nhiều liên doanh khác đã lần lượt ra đời trong thời gian qua. Theo thỏa thuận của chính phủ hai nước, tháng 7/2008, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam hay PVN) và Tập đoàn Zarubezneft của Nga đã thành lập Xí nghiệp liên doanh "RusVietPetro" (RVP) nhằm tham gia phát triển các mỏ dầu tại Nga và các nước thứ ba, trước hết là tại Cuba.
Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của vùng cực Bắc nước Nga, RVP và các nhà thầu đã thực hiện một khối lượng công việc rất lớn để đến ngày 30/9/2010 đón dòng dầu đầu tiên từ mỏ Bắc Khosedaiu và cũng là dòng dầu đầu tiên từ nước Nga. Ngày 29/7/2011, RVP đã đón dòng dầu đầu tiên từ mỏ Visovoje và đến cuối tháng 8/2011 đã khai thác được 1 triệu tấn "vàng đen". Vào ngày 29/7/2012, RVP sẽ đón dòng dầu đầu tiên từ mỏ Tây Khosedaiu với sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Năm 2012, sản lượng khai thác của RVP sẽ tăng lên hơn 2 triệu tấn và sẽ đạt mức 5 - 5,5 triệu tấn/năm vào năm 2018.
Ngoài Zarubezneft, một doanh nghiệp lớn khác của Nga tham gia liên doanh dầu khí với Việt Nam là Tập đoàn công nghiệp khí đốt Gazprom. Tháng 11/2006, Gazprom và PetroVietnam đã ký thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực khai thác, vận chuyển và chế biến dầu khí. Trên cơ sở đó, hai bên đã thành lập Xí nghiệp liên doanh VietGazprom tại Việt Nam và tháng 5/2008, hai bên tiếp tục ký thỏa thuận thành lập Xí nghiệp liên doanh GazpromViet để thăm dò, khai thác dầu khí ở Nga và các nước thứ ba với tỷ lệ góp vốn Gazprom 51% và PetroVietnam 49%.
Cũng theo thỏa thuận đã đạt được, PVN và Gazprom sẽ thành lập Liên doanh dầu khí Nga - Việt tại LB Nga (GazpromViet Oil and Gas Company - GazpromViet) để điều hành hoạt động thăm dò khai thác dầu khí tại mỏ Nagumanovsk ở Nga.
Hiện PVN và Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga đang hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí rất hữu hiệu tại thềm lục địa Việt Nam cũng như trong khuôn khổ Liên doanh GazpromViet tại Nga. Ngoài ra, Tập đoàn dầu khí TNK-BP và Tập đoàn dầu mỏ Lukoil của Nga cũng đang tích cực tham gia vào các dự án dầu khí tại Việt Nam.
Cung cấp dầu thô cho nhau là một hướng hợp tác mới giữa Nga và Việt Nam. Ngày 29/9/2010, tại Mátxcơva, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL) thuộc PVN và Tập đoàn dầu mỏ TNK-BP của Nga đã ký hợp đồng về cung cấp dầu thô ESPO với lô đầu tiên gồm 100.000 tấn.
Đào tạo cán bộ và các chuyên gia dầu khí lành nghề cũng đang mở ra cho Việt Nam và LB Nga một triển vọng hợp tác mới. Tháng 4 vừa qua, trường Đại học dầu khí Việt Nam đã ký với trường Đại học Tổng hợp dầu khí Mátxcơva mang tên Gubkin thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn.
Các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước như chuyến thăm Việt Nam năm 2001 của Tổng thống Nga Vladimir Putin, chuyến thăm Nga năm 2007 và 2009 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và chuyến thăm Nga năm 2010 của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đang góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác cùng có lợi và đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - LB Nga phát triển mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa.
Đình Lanh (P/v TTXVN tại Nga)