"Áp thấp nhiệt đới còn diễn biến phức tạp, cần tập trung theo dõi chặt chẽ trên các phương tiện thông tin để chủ động, thông báo, hướng dẫn kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển để thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm. Tổng cục Thủy sản phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư lệnh Biên phòng có giải pháp hỗ trợ các tàu đánh bắt cá đang ở vùng chịu ảnh hưởng của áp thấp đến nơi an toàn". Đây là chỉ đạo của ông Trần Quang Hoài, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão sáng 4/6, tại Hà Nội.
Đại diện Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Huy Tự phát biểu về tình hình tích nước tại các hồ chứa. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN |
Ông Trần Quang Hoài đề nghị Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia theo dõi chặt chẽ, cung cấp kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo về áp thấp nhiệt đới cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các cơ quan thông tấn, báo chí phục vụ điều hành, chỉ đạo, thông tin ứng phó. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương tăng cường thời lượng phát sóng, kịp thời đưa tin diễn biến của áp thấp nhiệt đới.
Đồng thời, yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ tàu thuyền ra khơi để đảm bảo an toàn về người và tài sản; căn cứ vào diễn biến của áp thấp nhiệt đới, các địa phương chủ động đảm bảo an toàn cho khách du lịch trên các đảo. Bên cạnh đó, theo dõi các vấn đề an toàn hồ chứa và theo dõi sát lượng mưa các nước Lào, Campuchia để có sự chủ động điều tiết nước đối với khu vực sông Mê Kông.
Thực hiện nghiêm túc Công điện số 4 ngày 2/6 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai – Ủy ban quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai – Ủy ban quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Sơ đồ đường đi của áp thấp nhiệt đới. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN |
Đại tá Trần Dương Kiên, Trưởng phòng Cứu hộ, cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng cho biết: Tính đến 6 giờ ngày 4/6, Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 51.566 tàu/248.037 lao động biết vị trí, diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động di chuyển vòng tránh hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm, trong đó (hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa 346 tàu/3.684 lao động (Quảng Trị 19 tàu/125 lao động; Quảng Nam 81 tàu/1.336 lao động; Bình Định 71 tàu/562 lao động; Quảng Ngãi 174 tàu/1.652 lao động; Khánh Hòa 1 tàu/9 lao động). Hoạt động ven bờ, các vùng biển khác và neo đậu tại bến 51.220 tàu/244.353 lao động. Trước đó, ngày 3/6, các tỉnh, thành phố Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi đã ban hành lệnh cấm biển.
Theo báo cáo nhanh ngày 3/6 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang, khoảng 5 giờ ngày 3/6, tại Km27+00 tỉnh lộ 946, xã Long Điền B, huyện Chợ Mới xảy ra sạt lở, sụt lún đất bờ sông Ông Chưởng thuộc phạm vi hành lang Đường tỉnh 946 dài 50m, chiều rộng phần lề sạt 4m (tiếp giáp và có nguy cơ sạt mặt đường nhựa). Phạm vi sạt lở có khả năng lan rộng với chiều dài khoảng 350m (đoạn sạt lở nằm trong khu vực cảnh báo sạt lở). Hiện nay, địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân tháo dỡ, di dời tài sản, nhà ở ra khỏi vùng sạt lở đến nơi an toàn, cắm biến cấm ô tô đi vào khu vực nguy hiểm. Theo đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu các tỉnh thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo về lũ, lũ quét, sạt lở đất và chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó.