Hội nghị diễn ra dưới hình thức: phiên khai mạc và bế mạc toàn thể, các phiên họp với nhiều tiểu chủ đề khác nhau. Phiên khai mạc và bế mạc có sự tham gia của đại diện các cơ quan ngoại giao của 9 thành viên cấp quốc gia thuộc EROPA cùng khoảng 300 đại biểu quốc tế và 200 đại biểu là các học giả, nhà quản lý, lãnh đạo các bộ, ngành trong nước, lãnh đạo, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia.
Cùng với các phiên toàn thể, 170 tham luận của các học giả, các nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các quốc gia khác nhau trong và ngoài khu vực đã được đăng ký trình bày tại Hội nghị.
Việc lựa chọn chủ đề “Vai trò của quản trị công trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hướng tới mục tiêu phát triển bền vững” được đưa ra trong bối cảnh quản trị công tốt được xác định là nhân tố quyết định thành công của các quốc gia. Đại dịch COVID-19 đã làm bộc lộ những điểm mạnh, điểm yếu về thể chế, luật pháp và khả năng lãnh đạo của các quốc gia; đồng thời, cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa năng lực quản trị quốc gia và khả năng quản lý khủng hoảng, cũng như sự phát triển bền vững và thịnh vượng của các quốc gia.
Quản trị công tốt giúp cải thiện niềm tin của người dân đối với Chính phủ. Sự tin tưởng của nhân dân khiến Chính phủ hoạt động thuận lợi, hiệu quả hơn. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 về cơ bản đã được kiểm soát, các quốc gia cần nhanh chóng khắc phục khó khăn, xây dựng và thực hiện các chiến lược, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững để tiếp tục phát triển, bắt kịp đà phục hồi kinh tế toàn cầu.
Việc xây dựng, tổ chức triển khai thành công các chiến lược, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phụ thuộc rất lớn vào năng lực quản trị công của mỗi quốc gia. Thực tiễn này đặt ra nhu cầu tiếp tục nghiên cứu vai trò của “quản trị công” trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, để từ đó xây dựng các mô hình quản trị hiệu quả, phù hợp với đặc thù của khu vực và của mỗi quốc gia. Đồng thời, thông qua Hội nghị, các tổ chức thành viên của EROPA có thể xây dựng kế hoạch hợp tác nâng cao năng lực quản trị của công chức lãnh đạo, quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu phục hồi kinh tế - xã hội.
Ba tiểu chủ đề được thảo luận sâu trong Hội nghị gồm: Thực tiễn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội: những vấn đề đặt ra và yêu cầu đổi mới quản trị công; Đổi mới quản trị công nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Xây dựng năng lực quản trị công nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tổ chức Hành chính miền Đông thế giới (EROPA) bao gồm thành viên từ các quốc gia, tổ chức và cá nhân trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có 10 thành viên cấp nhà nước, 58 thành viên là các viện, học viện, trường hành chính công, trường đại học, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực quản trị nhà nước và hành chính công được công nhận. EROPA còn có 229 thành viên tham gia với tư cách cá nhân.
Hoạt động của EROPA hướng tới thúc đẩy thực tiễn và ứng xử tốt trong hành chính công, quản lý công trong khu vực, nhằm cung cấp dịch vụ tiêu chuẩn cao cho các chính phủ và người dân; nâng cao nhận thức về giá trị và tầm quan trọng của nền hành chính hiệu lực và hiệu quả; phát triển, thúc đẩy nghiên cứu về hành chính công; tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin và hiểu biết lẫn nhau giữa các tổ chức, cá nhân quan tâm đến lĩnh vực hành chính công; phát triển chất lượng lãnh đạo và năng lực quản lý, đặc biệt ở cấp độ lãnh đạo, quản lý cao cấp, trung cấp.
Học viện Hành chính Quốc gia trở thành thành viên cấp nhà nước của EROPA từ năm 1991. Hơn 30 năm qua, Học viện Hành chính Quốc gia tham gia tích cực và khẳng định năng lực chuyên môn, uy tín trong các hoạt động của EROPA. Hằng năm, Học viện đều cử các đoàn cán bộ lãnh đạo, giảng viên tham gia và trình bày tham luận tại Hội nghị thường niên của EROPA. Đặc biệt, Học viện đã 3 lần đăng cai tổ chức thành công Hội nghị EROPA vào các năm: 1997, 2005 và 2014. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng Điều hành EROPA.