Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình cho biết: Ngày 3/11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1288/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ từ năm 2021 đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là quy hoạch có ý nghĩa chiến lược mở ra triển vọng hợp tác và cơ hội đầu tư cho tỉnh với các đối tác trong nước và quốc tế.
Theo quy hoạch, đến năm 2030, Bắc Kạn trở thành tỉnh phát triển trung bình khá, bền vững của vùng với hệ thống không gian phát triển hài hòa, hợp lý giữa đô thị và nông thôn, giữa khu vực phát triển kinh tế với bảo tồn sinh thái, văn hóa. Kinh tế phát triển theo hướng xanh, năng động với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng số đồng bộ, hiện đại, các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm đầu.
Quy hoạch tỉnh đã đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm, 6 đột phát phát triển, 3 hàng lang kinh tế và 5 vùng kinh tế xã hội. Trong đó hình thành các trục động lực phát triển với hàng lang kinh tế Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng và hàng lang kinh tế Tuyên Quang - Bắc Kạn - Lạng Sơn.
Một trong 6 đột phá được xác định trong quy hoạch là thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Trong đó, chú trọng phát triển du lịch nghỉ dưỡng, đưa thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nằm trong nhóm dẫn đầu các tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ. Khu Du lịch hồ Ba Bể sẽ được đầu tư, phát triển trở thành Khu du lịch quốc gia với các sản phẩm, loại hình du lịch độc đáo, mang bản sắc riêng. Bắc Kạn sẽ thu hút đầu tư 10 khu tổ hợp sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa thể thao và sân golf trên địa bàn của 6 huyện, thành phố.
Về phát triển nông, lâm nghiệp, Bắc Kạn hướng sản xuất hàng hóa, từng bước xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao; chuyển đổi hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo định hướng kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy hợp tác, liên kết.
Quy hoạch đã xác định rõ mục tiêu “xây dựng Bắc Kạn trở thành trung tâm sản xuất, chế biến gỗ và dược liệu của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ”. Tỉnh cơ cấu lại các ngành sản xuất gắn với chuyển dịch tăng tỷ trọng các ngành kỹ thuật, công nghệ cao, ưu tiên thu hút đầu tư công nghiệp chế biến nông lâm sản.
Bắc Kạn được đánh giá có lợi thế về năng lượng tái tạo với tốc độ gió cao, nguồn phụ phẩm lâm nghiệp sẵn có và nhiều sông, suối có độ dốc lớn. Theo Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh, tiềm năng điện gió của Bắc Kạn là 2.680 MW, điện sinh khối là 220 MW, và thủy điện là hơn 39 MW. Đây sẽ là cơ hội để tỉnh thu hút đầu tư phát triển điện gió, điện sinh khối, thủy điện tích năng, phù hợp với điều kiện tự nhiên về địa hình, khí hậu của tỉnh.
Bắc Kạn đã quy hoạch 27 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 676 ha, 3 khu công nghiệp có tổng diện tích 204 ha và sẽ mở rộng, thành lập thêm 4 khu công nghiệp với diện tích 2.157 ha.
Một trong những đột phá phát triển quan trọng trong Quy hoạch tỉnh từ năm 2021 đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các hành lang kinh tế thuộc vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Bắc Kạn đang chuẩn bị đầu tư tuyến đường cao tốc Chợ Mới - thành phố Bắc Kạn quy mô 4 làn xe, thi công đường từ thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang (tỉnh Tuyên Quang), qua đó đã rút ngắn khoảng các từ Hà Nội đến hồ Ba Bể chỉ còn 2 giờ 30 phút.
Đồng thời, Bắc Kạn và Cao Bằng đang đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư tuyến cao tốc kết nối hai tỉnh và phấn đấu hoàn thành trước năm 2030. Khi đó, cùng với các tuyến đường kết nối trục ngang là Tuyên Quang - Bắc Kạn - Lạng Sơn, hệ thống giao đường bộ của tỉnh sẽ cơ bản đồng bộ, là động lực phát triển kinh tế.
Tỉnh xác định đến năm 2030, sẽ có thành phố Bắc Kạn là đô thị loại II; 4 đô thị gồm thị trấn Đồng Tâm, Chợ Rã, Bằng Lũng, Yến Lạc là đô thị loại 4.
Biểu dương những kết quả nổi bật Bắc Kạn đã đạt được, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu tỉnh phát huy tối đa tiềm năng phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, đưa sản phẩm nông lâm sản tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, tập trung triển khai hiệu quả chương trình OCOP.
Phó Thủ tướng đề nghị Bắc Kạn tập trung nguồn lực phát triển kinh tế rừng với 3 trọng tâm, phát triển dịch vụ sản xuất tín chỉ các bon, phát triển điện sinh khối và công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Tỉnh cần tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, trọng tâm là du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm; chú trọng thực hiện đồng bộ công tác giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý, Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn là quy hoạch có tính “mở” và “dài hạn”, để thực hiện tỉnh cần khẩn trương rà soát, lập, điều chỉnh, triển khai các quy hoạch chi tiết, chuyên ngành bảo đảm thống nhất, đồng bộ.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng Đoàn công tác đã đi thăm Khu Công nghiệp Thanh Bình (xã Thanh Thịnh, huyện Chợ Mới) và nghe báo cáo về quy hoạch phát triển các khu công nghiệp; đi thăm và nghe báo cáo các tuyến đường giao thông trọng điểm của tỉnh Bắc Kạn. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình đã trao chủ trương đầu tư, bản ghi nhớ đầu tư cho 18 dự án trên địa bàn tỉnh.