Thu hút những khoản đầu tư lớn
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam bắt đầu thu hút sự quan tâm lớn của các quỹ đầu tư mạo hiểm trên thế giới và trong khu vực. Với sự kiện này, lần đầu tiên tại Việt Nam, nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm tầm cỡ khu vực và quốc tế đã tham dự, cùng thảo luận về những cơ hội mà thị trường Việt Nam đem đến cho giới đầu tư cũng như khuyến nghị Chính phủ giải pháp tháo gỡ vướng mắc để khơi thông dòng vốn.
Theo Báo cáo thường niên về tình hình đầu tư khởi nghiệp năm 2018 của Topica Founder Institute (TFI), hiện hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đang phát triển với hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động, tăng gấp đôi so với năm 2015. Nhiều tập đoàn lớn trong nước đã tham gia vào đầu tư mạo hiểm như: FPT, Viettel, Vingroup, CMC, CenGroup... Cùng với đó là hơn 40 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh và 60 khu không gian làm việc chung trên cả nước. Năm 2018, nhiều tập đoàn lớn tăng cường đầu tư cho hệ sinh thái khởi nghiệp. Cụ thể, Tập đoàn Vinacapital thành lập Quỹ Đầu tư Vinacapital Ventures (100 triệu USD), Vingroup thành lập Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp và Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu khoa học công nghệ có mức đầu tư 2.000 tỷ đồng, Quỹ Đầu tư mạo hiểm (300 triệu USD) để hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo đột phá về công nghệ…
Tại Hội nghị, có 7 tham luận chính, chủ yếu xoay quanh đến hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Trong đó nhấn mạnh đến sự tham gia của các tập đoàn kinh tế Việt Nam trong hệ sinh thái khởi nghiệp; nhân lực công nghệ tại Việt Nam: động lực của đổi mới sáng tạo; các xu hướng công nghệ tại Việt Nam như Deeptech, Fintech, kinh tế số… nhằm đưa hệ sinh thái đổi mới của Việt Nam lên một tầm cao mới.
Chia sẻ tổng quan về tình hình phát triển công nghệ Kết nối vạn vật (IoT), Trí tuệ nhân tạo (AI)… tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng, kỷ nguyên số đang mang theo nhiều sự thay đổi, doanh nghiệp cần xác định nhu cầu của khách hàng để tiếp nhận công nghệ phù hợp, phát triển công nghệ ngay từ đầu hay thừa hưởng những cái có sẵn và được khẳng định trên thế giới. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ thông tin dẫn đầu do đó các doanh nghiệp muốn phát triển đột phá nên nghiên cứu những xu hướng công nghệ mới như: Big Data, IoT, AI, Blockchain….
Với những nỗ lực bước đầu trong xây dựng nền tảng cho hệ sinh thái, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết: Bộ đã thực hiện Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP), là chương trình hợp tác phát triển giữa hai Chính phủ Việt Nam và Phần Lan. Chương trình IPP đã đặt những nền móng đầu tiên cho sự phát triển một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo bền vững ở Việt Nam thông qua hỗ trợ chuyên gia xây dựng các chính sách lớn về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo; bồi dưỡng năng lực về quản trị khởi nghiệp sáng tạo cho hàng trăm cán bộ quản lý ở các bộ, ngành, địa phương.
Ngoài ra, chương trình đã đào tạo giảng viên nguồn về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo cho hơn 50 trường đại học trong cả nước; kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam với hệ sinh thái khởi nghiệp Bắc Âu và Đông Nam Á. Đặc biệt, IPP đã triển khai thành công mô hình tài trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng nhanh nuôi giấc mơ chinh phục thế giới (Go Global). Điển hình là Abivin, doanh nghiệp khởi nghiệp Việt vừa giành Giải thưởng khởi nghiệp toàn cầu ở Hoa Kỳ 1 triệu đô la Mỹ - là nhóm khởi nghiệp được IPP hỗ trợ tài chính và đào tạo khởi nghiệp ban đầu ngay từ khi mới hình thành ý tưởng, thậm chí chưa thành lập doanh nghiệp.
Tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam trong những năm qua đã tăng trưởng rất ấn tượng về số lượng và chất lượng. Nếu như năm 2012, Việt Nam có khoảng 400 công ty khởi nghiệp, năm 2015 đã tăng hơn 4 lần, đạt 1.800 công ty khởi nghiệp. Trong hai năm 2017-2018 đã phát triển mạnh mẽ với con số hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp.
Tuy vậy, so với các nước trong khu vực, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam còn tương đối non trẻ và chưa kết nối chặt chẽ với nhau. Các yếu tố tạo nên sự thành công của khởi nghiệp bao gồm hạ tầng, thể chế chính sách, tài chính, nguồn vốn đầu tư, thị trường và văn hóa vẫn còn tiếp tục được hoàn thiện từng bước. Do đó, để duy trì tốc độ tăng trưởng cao, Việt Nam phải không ngừng đổi mới sáng tạo để tạo ra những cơ hội mới. Vì vậy, từng bộ, ngành cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo bước đột phá mạnh hơn nhằm phát triển công nghệ thông tin, cụ thể dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin 4.0, kinh tế số… trong tất cả các ngành nghề.
Bên cạnh đó phải chú ý nhiều hơn đến giáo dục và khoa học - công nghệ; phát triển giáo dục và khoa học là quốc sách nhưng cần đảm bảo điều kiện đầu tư, cụ thể là chính sách về kinh tế. Đặc biệt muốn phát triển khoa học công nghệ phải đổi mới hệ thống sáng tạo giáo dục và doanh nghiệp phải là trung tâm, ngoài ra có chính sách cụ thể về thuế, tín dụng, đất đai thị trường…
Bên cạnh những nỗ lực đối thoại với cộng đồng khởi nghiệp thời gian qua, Chính phủ cũng cần có chủ trương và chiến lược cụ thể nhằm tiếp cận một cách chủ động với các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến thị trường Việt Nam để hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Để cộng đồng các nhà đầu tư tiếp cận với nhiều cơ hội đầu tư chất lượng hơn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cam kết sẽ đối thoại và thảo luận thường xuyên với cộng đồng nhà đầu tư mạo hiểm; phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan triển khai xây dựng giải pháp thích hợp, nhanh chóng giải quyết khó khăn để khơi thông, không ngừng tăng cường dòng vốn vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
Thông qua Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ hỗ trợ giới khởi nghiệp để doanh nghiệp khởi nghiệp có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn tài trợ đối với doanh nghiệp khởi nghiệp đã được thẩm định, kết nối, hỗ trợ của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong, ngoài nước.