Thông báo nêu rõ, chủ trương của Chính phủ là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tăng cường phân cấp để tạo điều kiện cho phát triển; đồng thời, phải bảo đảm chặt chẽ để chống tiêu cực, thất thoát tài sản nhà nước. Do đó, cần đẩy mạnh việc thực hiện đấu thầu công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu; người quyết định mua sắm chịu trách nhiệm về hình thức lựa chọn nhà thầu, giá gói thầu… theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu trong phạm vi quản lý của mình.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do tính chất đặc thù đối với các gói thầu, nội dung mua sắm đảm bảo hoạt động thường xuyên, nếu thực hiện các thủ tục theo đúng quy trình sẽ mất nhiều thời gian, không đáp ứng yêu cầu đảm bảo hoạt động thường xuyên. Dự thảo Quyết định đã được Bộ Tư pháp thẩm định và có ý kiến thống nhất về hình thức văn bản, cần phải nghiên cứu thận trọng để tránh việc lạm dụng nhằm chỉ định thầu các gói thầu không đáp ứng điều kiện theo quy định của Luật Đấu thầu.
Để bảo đảm việc ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đúng thẩm quyền theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu kỹ về hình thức, nội dung văn bản (có thể là “phân cấp thực hiện theo Điều 26 Luật Đấu thầu”…); đồng thời, rà soát danh mục các gói thầu, nội dung mua sắm để lược bỏ các nội dung mà có thể thực hiện đấu thầu hoặc các hình thức khác theo quy định tại các Điều 20 đến Điều 25 của Luật Đấu thầu (ví dụ: gói thầu tổ chức sự kiện, hoạt động văn hóa, quảng bá xúc tiến du lịch…; gói thầu mua tặng phẩm…). Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện dự thảo Quyết định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.