Hoàn thiện cơ chế, chính sách về phòng, chống ma túy

Tiếp tục chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 18, chiều 29/9, tại Hà Nội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên họp sáng 28/9. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ: Việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma túy đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, do sự phát triển nhanh, đa dạng của nền kinh tế, đời sống văn hóa - xã hội nên một số quan hệ xã hội mới liên quan đến phòng, chống ma túy xuất hiện nhưng chưa có quy định điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn. Cụ thể, chưa có quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; quy định về công tác cai nghiện còn một số bất cập. Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2008 có một số nội dung chưa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Vì vậy, việc xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) là yêu cầu cấp thiết, khách quan.

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy và khắc phục những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2008, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác này, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.

Dự thảo Luật gồm 8 chương, 69 điều. So với Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2008 tăng 13 điều; trong đó giữ nguyên 7 điều, sửa đổi, bổ sung 47 điều và 15 điều mới.

Qua thảo luận, các đại biểu tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy với các lý do đã được thể hiện trong Tờ trình của Chính phủ; cho rằng các nội dung của dự án Luật về cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, không trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Liên quan đến trách nhiệm, quyền hạn của các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, hiện có 2 loại ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất thống nhất với quy định như trong dự thảo Luật. Theo đó, cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân có trách nhiệm “chủ trì thực hiện các hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy” (điểm a khoản 1 Điều 12 dự thảo Luật).

Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ như Luật hiện hành. Theo đó, cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân có trách nhiệm “chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện các hoạt động ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy” (điểm a, khoản 1, Điều 13 Luật Phòng, chống ma túy hiện hành).

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong cho rằng, để công tác phòng, chống ma túy đạt được hiệu quả, các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy (thuộc Công an nhân dân, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan) trong khu vực, địa bàn quản lý cần được giao quyền chủ động nhưng đồng thời phải phối hợp với nhau để thực hiện các biện pháp cần thiết, qua đó phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hiệu quả các hoạt động bất hợp pháp liên quan đến ma túy. Vì vậy, ông Đặng Thuần Phong đề nghị Chính phủ giữ nguyên trách nhiệm “phối hợp” với các cơ quan hữu quan như trong Luật hiện hành.

Tán thành với loại ý kiến thứ hai, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) phân tích: Báo cáo tổng kết thi hành Luật đánh giá cao kết quả đấu tranh với tội phạm ma túy trong những năm qua. Công tác phối hợp đã được đẩy mạnh để triển khai các hoạt động khảo sát, phối hợp kiểm tra, ngăn chặn từ xa giúp phát hiện, bắt giữ nhiều tổ chức, đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn. Công tác quản lý nhà nước về vấn đề này đi vào nền nếp, những tồn tại, hạn chế không thể hiện rõ. Vì thế, đại biểu đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) chỉ rõ, dự thảo Luật cần có quy định cụ thể nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân, gia đình trong công tác phòng, chống ma túy; bên cạnh đó, cần có chế độ, chính sách đối với lực lượng phòng, chống ma túy nhằm động viên, khuyến khích để gia đình những cán bộ làm công tác này yên tâm hơn.

Liên quan đến chính sách của Nhà nước về cai nghiện ma túy (Điều 29), một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo bổ sung báo cáo đánh giá tác động khi bổ sung chính sách “hỗ trợ kinh phí đối với người nghiện ma túy tự cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng và cơ sở cai nghiện” để đảm bảo tính khả thi. Ngoài ra, Ban soạn thảo cũng cần làm rõ chính sách ưu đãi tại Khoản 5 áp dụng đối với tổ chức, cá nhân đầu tư vào hoạt động cai nghiện ma túy, hỗ trợ sau cai nghiện ma túy, phòng, chống tái nghiện ma túy; nghiên cứu, bổ sung quy định về chính sách đặc thù đối với các lực lượng trực tiếp thực hiện công tác cai nghiện ma túy…

Phan Phương (TTXVN)
Phiên họp toàn thể lần thứ 18 Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội
Phiên họp toàn thể lần thứ 18 Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Sáng 28/9, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã dự Phiên họp toàn thể lần thứ 18 Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN