Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng:

Hoàn thiện chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn và luật pháp quốc tế

Đóng góp ý kiến cho dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng, các nhà nghiên cứu trẻ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã có nhiều ý kiến về việc hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, việc làm, đảm bảo phù hợp với thực tiễn quốc tế.


* Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa

Nhà nghiên cứu trẻ Trần Thị Loan, Viện Nhà nước và Pháp luật cho rằng, quan điểm và chính sách văn hóa của Đảng đã đáp ứng kịp thời nhu cầu, đòi hỏi cấp bách của nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa dân tộc trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và tác động mặt trái của kinh tế thị trường.

Tuy nhiên trên thực tế, việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương về văn hóa thành các chính sách, pháp luật của Nhà nước còn chậm và chưa hoàn chỉnh. Bộ máy các cơ quan chỉ đạo và quản lý văn hóa còn nhiều hạn chế, bất cập. Trong chỉ đạo còn lúng túng và thiếu thống nhất giữa các cơ quan Trung ương và địa phương; vẫn còn tình trạng sai phạm, tùy tiện trong việc xuất bản, xâm phạm bản quyền.

Hoạt động báo chí chưa được quản lý hiệu quả dẫn đến việc đăng bài tùy tiện, nội dung không phù hợp, định hướng sai dư luận, xâm hại bí mật đời tư cá nhân… gây tác động xấu cho xã hội.

Do đó trong nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới về phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, dự thảo văn kiện nên bổ sung nội dung nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa.

Cụ thể là cần tăng cường công tác quản lý các hoạt động văn hóa nhằm tạo môi trường văn hóa lành mạnh, như việc quản lý các lễ hội cần có quy định, hướng dẫn cụ thể, nhất là các lễ hội diễn ra sau Tết Nguyên đán; tăng cường công tác quản lý hệ thống thông tin đại chúng như các hoạt động xuất bản, báo chí…

* Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo

Cũng theo nhà nghiên cứu trẻ Trần Thị Loan, trong phần nhiệm vụ tổng quát 5 năm tới, dự thảo văn kiện nên sửa thành tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần nhấn mạnh việc nâng cao kiến thức chuyên sâu và tác phong công nghiệp trong đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của thực tiễn.

Để bảo đảm bình đẳng về hình thức giáo dục, bình đẳng giữa giáo dục công lập và giáo dục ngoài công lập, dự thảo văn kiện nên bổ sung quan điểm bảo đảm bình đẳng về cơ hội trong giáo dục, cụ thể là bảo đảm cho các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội có cơ hội học tập bình đẳng, có chính sách hỗ trợ trực tiếp đến đối tượng này, như người khuyết tật, người nhiễm HIV…

Về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Thạc sĩ Tạ Phúc Đường, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, ngân sách chưa đủ, việc quản lý sắp xếp và phương thức đào tạo cũng cần định hướng lại. Việc đào tạo tràn lan, không chú trọng tới chất lượng như hiện nay là một vấn nạn. Đào tào nhân lực chất lượng cao nhưng lại không chú trọng đến chất lượng, bởi vậy, cần thiết phải tạo ra một chế độ đãi ngộ đối với người tài kèm với việc cải cách khâu đánh giá năng lực.

Thạc sĩ Lê Mạnh Hùng, Viện nghiên cứu Con người lại khẳng định, dự thảo văn kiện đặc biệt chú trọng các nhiệm vụ, giải pháp gắn kết giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ với phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ hiệu quả quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thực hiện 3 đột phá chiến lược.

Trong các loại nguồn nhân lực thì nhân lực trong điều hành, quản lý là quan trọng nhất vì nó sẽ quyết định đến sự phát triển hay suy vong của tất cả các lĩnh vực khác. Vì vậy, dự thảo văn kiện cần nhấn mạnh đến đổi mới công tác cán bộ, cần có tiêu chí và điều kiện rõ ràng, cụ thể, đề cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Nguồn cán bộ chất lượng cao phải đề cập đến nhân tài. Dự thảo văn kiện cần nhấn mạnh đến quy trình phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân tài.

* Chính sách pháp luật về lao động phù hợp với thực tiễn quốc tế


Nhà nghiên cứu trẻ Trần Thị Loan nhấn mạnh, một trong những thách thức khi thực hiện Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là lao động, đặt ra nhiều vấn đề về lao động, đặc biệt là quyền lập hội, quyền tập hợp và đàm phán chung của người lao động, quy định cấm sử dụng mọi hình thức lao động cưỡng bức, cấm khai thác lao động trẻ em, không phân biệt đối xử trong lực lượng lao động…

Cuối năm 2015, cộng đồng ASEAN hình thành cũng tạo ra nhiều cơ hội và thách thức cho Việt Nam, đặt ra vấn đề cần giải quyết như lao động di trú. Do đó, dự thảo văn kiện cần bổ sung thêm quan điểm sửa đổi và hoàn thiện chính sách, pháp luật về lao động phù hợp với thực tiễn, pháp luật quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết, là thành viên.

Dự thảo văn kiện cần thống nhất dùng cụm từ “người lao động đi làm việc ở nước ngoài” thay cụm từ “người xuất khẩu lao động” cho phù hợp với các văn bản trong lĩnh vực lao động hiện nay. Dự thảo cũng cần bổ sung, bảo đảm bình đẳng trong cơ hội để mọi người có việc làm và thu nhập ổn định, sửa đổi và hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, việc làm để bảo đảm quyền lao động, có việc làm, không bị phân biệt đối xử của các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.

Minh Nguyệt (TTXVN)
Tọa đàm bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể ca trù Hà Nội
Tọa đàm bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể ca trù Hà Nội

Ngày 22/10/2015, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm “Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể ca trù Hà Nội” với sự tham gia, đóng góp ý kiến của nhiều câu lạc bộ ca trù trên địa bàn Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN