Thượng úy Lê Minh Tấn, Đội trưởng Đội nuôi trồng thủy sản (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai) cho biết, để đảm bảo môi trường, từ ngày 28/4, Đội nuôi trồng thủy sản đã huy động 100% quân số làm việc xuyên kỳ nghỉ lễ để vớt cá chết đưa lên bờ xử lý. Trong thời gian dọn xác cá, đơn vị đề nghị tạm ngưng mở cống, không để cá chết trôi theo dòng nước ảnh hưởng tới môi trường phía hạ lưu. Sau khi vớt hết cá chết, Đội nuôi trồng thủy sản sẽ tiếp tục rải vôi khử mùi hôi, đảm bảo môi trường quanh khu vực.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng Đồng Nai, nắng nóng kéo dài khiến hồ Sông Mây cạn trơ đáy. Lúc bình thường, diện tích mặt nước hồ Sông Mây là gần 200 ha nhưng hiện chỉ còn khoảng 2 ha. Độ sâu mực nước ở hồ rất thấp, nơi sâu nhất chỉ khoảng 1 m nước.
Do thời tiết nắng nóng, nguồn nước cạn, cá trong hồ Sông Mây tương đối dày, dẫn tới việc cá thiếu ô xy và chết hàng loạt vào cuối tháng 4. Ước tính có hơn 100 tấn cá các loại thiệt hại. Do cá chết số lượng lớn, phân hủy nhanh nên bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến môi trường, đời sống người dân.
Hồ Sông Mây nằm trên địa bàn các xã: Bắc Sơn, Bình Minh, Sông Trầu và thị trấn Trảng Bom (huyện Trảng Bom). Đây là hồ chứa nước tưới tiêu cho hàng trăm ha lúa tại 2 huyện Trảng Bom, Vĩnh Cửu (Đồng Nai). Diện tích mặt nước hồ Sông Mây được giao cho Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai quản lý, nuôi trồng thủy sản.
Đầu năm 2024, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai bắt đầu triển khai dự án cải tạo, sửa chữa hồ Sông Mây. Trước đó, phía công ty có văn bản gửi Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai về việc dọn dẹp tài sản trong lòng hồ để phục vụ triển khai dự án. Công ty đề nghị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai thu hoạch cá nuôi trong hồ trước 31/12/2023, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.