Hoàn thành nhiệm vụ cứu hộ tại những hiện trường đặc thù, phức tạp

Ngay sau khi Myanmar chịu hậu quả của thảm họa động đất, Đoàn cứu hộ, cứu nạn của Bộ Công an Việt Nam đã nhanh chóng có mặt, sát cánh cùng người dân nước này vượt qua khó khăn. Với rất nhiều đặc thù về điều kiện thời tiết, nguy cơ dư chấn rình rập nguy hiểm, nhưng các thành viên đoàn cứu nạn vẫn giữ vững quyết tâm, nỗ lực ngày đêm tìm kiếm và cứu giúp các nạn nhân.

Chú thích ảnh
Đoàn cứu hộ Bộ Công an đã đưa được thêm 1 nạn nhân nữ 56 tuổi ra khỏi đống đổ nát tại khu vực thị trấn Zabuthiri, ngoại ô thủ đô Nay Pyi Taw, Myanmar, chiều 2/4. Ảnh: TTXVN phát

Đây là lần thứ hai Đoàn cứu hộ, cứu nạn của Bộ Công an Việt Nam đảm nhận nhiệm vụ quốc tế tìm kiếm cứu nạn sau thảm họa thiên tai, trước đó là thời điểm năm 2023 ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Là người dẫn đoàn trong 2 lần thực hiện nhiệm vụ, Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn (Bộ Công an) cho biết, so với lần đi hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, lần công tác này tại Myanmar được nhận định có những đặc thù riêng, phức tạp hơn.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2023, hiện trường sau thảm họa động đất đã sụp đổ hoàn toàn. Nhưng ở Myanmar, hiện trường chỉ sụp đổ một phần, toàn bộ các tầng phía trên chỉ đứt gãy và đang đè lên tầng 1. Do đó tiềm ẩn nguy cơ sập thứ cấp nếu có rung chấn.

Ở Thổ Nhĩ Kỳ, Đoàn sử dụng phương tiện là các máy cơ giới cỡ lớn, còn ở Myanmar, Đoàn phải tính đến các phương tiện cỡ nhỏ, chuyên dùng để cắt phá, đảm bảo giảm thiểu tối đa các rung chấn, nếu không sẽ gây sụp đổ cả công trình.

"Do vậy, chúng tôi không thể sử dụng máy móc cơ giới mà bắt buộc phải vào tòa nhà, đánh giá tình hình. Sau đó mới có thể khoan, đục, cắt và moi để có thể đưa nạn nhân ra ngoài" - Đại tá Nguyễn Minh Khương chia sẻ.

Hầu hết vị trí khu vực thi thể nạn nhân mắc kẹt đều đã có sự khảo sát, nghiên cứu tìm kiếm của các đoàn quốc tế khác, nhưng đều không thực hiện được. Do đó, việc đưa được thi thể nạn nhân ra ngoài đã nhận được sự biết ơn của gia đình họ.

Những chú chó nghiệp vụ, chiếc Flycam (thiết bị bay không người lái) và những chiếc kìm thủy lực là “chiến thần” trong công tác cứu nạn, cứu hộ tại Myanmar. Flycam đã giúp cho đoàn công tác nhìn hình ảnh từ trên cao về tổng thể hiện trường, giúp đưa ra phán đoán chính xác hơn, an toàn hơn khi tiếp cận khu vực có nạn nhân đang bị vùi lấp. Và những chú chó nghiệp vụ đã hỗ trợ định vị chính xác; giảm thiểu thời gian tìm kiếm, tập trung dồn toàn lực vào vị trí nạn nhân đang chìm trong đống đổ nát. Một kinh nghiệm hay nữa là việc sử dụng kìm thủy lực để phá vỡ các mảng, khối bê tông lớn nhưng gần như không gây rung lắc. Những động tác kìm nhanh và ngọt khiến các mảng bê tông vỡ vụn, tạo điều kiện thuận lợi cho các chiến sỹ tiếp cận hiện trường để giải cứu nạn nhân, đồng thời giảm thiếu tối đa nguy cơ sập đổ thứ cấp.

Ngoài ra còn phải nói đến yếu tố khí hậu. Nhiệt độ ngoài trời những ngày qua tại Myanmar có thể lên tới 40 độ C, khiến cán bộ, chiến sĩ đều tiêu hao nhiều thể lực.

Thượng tá Nguyễn Văn Hiệp, Đoàn cứu hộ, cứu nạn Bộ Công an Việt Nam cho biết: "Dù thời tiết nắng nóng khắc nghiệt và địa hình phức tạp, nhưng anh em vẫn quyết tâm bám trụ hiện trường, nỗ lực cứu người đến khi không còn hy vọng mới thôi. Ở đây, nhà cửa đổ nát nghiêng, có thể sập bất kỳ lúc nào nên chúng tôi phải làm việc cực kỳ cẩn trọng. Quá trình tác nghiệp, các cán bộ, chiến sĩ phải luôn luôn quan sát yếu tố ổn định của các công trình, tránh trường hợp thao tác máy móc dẫn tới rung chấn. Việc này nhằm đảm bảo an toàn cho lực lượng cứu hộ".

Nếu như Đại tá Nguyễn Minh Khương - Trưởng đoàn cứu nạn, cứu hộ của Bộ Công an là người lãnh đạo đưa ra các quyết định cuối cùng, thì Thượng tá Nguyễn Văn Hiệp là người trực tiếp triển khai anh em tại hiện trường, hiện thực hóa những quyết định ấy. Gọi là Hiệp "năng nổ" bởi anh luôn là người trực tiếp xắn tay vào việc đào, bới cùng anh em.

Là người trực tiếp tiếp cận, đưa được nhiều nhất các thi thể nạn nhân ra ngoài, Đại úy Đỗ Quang Nam được gọi là "chiến binh dũng cảm" của Đoàn cứu hộ, cứu nạn Bộ Công an tại Myanmar lần này. Đại úy Nam là người trực tiếp tiếp cận các thi thể nạn nhân để làm công tác khử trùng, khử khuẩn, sau đó đưa thi thể ra ngoài. Để làm việc đó, các biện pháp bảo vệ an toàn phải được thực hiện nghiêm ngặt với các thiết bị như mặt nạ phòng độc cách ly, áo khoác khử khuẩn...

Đại úy Đỗ Quang Nam chia sẻ: "Quá trình thực hiện nhiệm vụ này tất nhiên sẽ có những thách thức nhất định, tuy nhiên không vì những khó khăn đó mà chúng tôi nản chí. Toàn Đội vẫn đang nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với tinh thần giúp bạn như giúp mình".

Trong quá trình làm nhiệm vụ tại Myanmar, Đoàn công tác của Bộ Công an đã độc lập đưa được 7 thi thể nạn nhân bị mắc kẹt trong các tòa nhà bị đổ sập để bàn giao cho gia đình. Đồng thời, các cán bộ, chiến sĩ phối hợp với các đơn vị cứu hộ của Myanmar, Philippines, Indonesia, Singapore xác định vị trí và tìm kiếm được 7 thi thể nạn nhân khác ra khỏi đống đổ nát.

Cùng với đó, đoàn của Bộ Công an đã tổ chức khám chữa bệnh, sơ cứu, sát khuẩn, thay băng vết thương, cấp phát thuốc cho hơn 50 bệnh nhân; dựng 4 lều bạt làm nơi tạm trú cho nạn nhân tại các khu tập trung do mất nhà cửa và các bệnh nhân thuộc Bệnh viện dã chiến 1.000 giường; tiến hành phun khử khuẩn, chống muỗi trên diện tích 5.000 m2 khu tập trung dân cư bị ảnh hưởng do động đất; tổ chức thành công 5 hoạt động dân vận như cấp phát lương thực, nước uống cho người dân tại các khu tập trung và tại nơi đoàn công tác thực hiện nhiệm vụ, chia sẻ, hỗ trợ cho các gia đình nạn nhân thiệt mạng, tặng quà cho 185 bệnh nhân tại các bệnh viện dã chiến và ủng hộ thông qua cơ quan cứu trợ thiên tai Myanmar với tổng số tiền 17 triệu kyat (tương đương khoảng 102 triệu đồng tiền Việt).

Trong suốt quá trình lực lượng cứu hộ của Việt Nam làm nhiệm vụ, người dân Myanmar, đặc biệt là gia đình của các nạn nhân, đã bày tỏ sự biết ơn và hỗ trợ về tinh thần cho đoàn công tác.

Xuân Tùng (TTXVN)
Đoàn cứu hộ Bộ Công an Việt Nam tại Myanmar dự kiến về nước ngày 8/4
Đoàn cứu hộ Bộ Công an Việt Nam tại Myanmar dự kiến về nước ngày 8/4

Theo lịch trình, vào 3 giờ đêm 7/4, Đoàn cứu hộ Bộ Công an Việt Nam về đến Yangon; dự kiến đến 15 giờ 30 phút ngày 8/4, máy bay Vietnam Airline sẽ đưa đoàn về sân bay Nội Bài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN