Ngày 22/11, tại Hà Nội, Vụ Các tổ chức Quốc tế (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh và Bắc Ailen tổ chức hội thảo “Hiệp ước Mua bán vũ khí thông thường: Quan điểm quốc gia và quốc tế”. Đây là cơ hội để các cơ quan liên quan của Việt Nam trao đổi, thảo luận nhằm chuẩn bị tốt hơn về vấn đề đang thu hút sự quan tâm lớn trong khuôn khổ Liên hợp quốc (LHQ), nhất là trong bối cảnh các nước đang hướng tới Hội nghị LHQ thương lượng Hiệp ước Mua bán vũ khí thông thường (ATT) dự kiến diễn ra vào giữa năm 2012.
Hiện nay, quá trình thương lượng Hiệp ước Mua bán vũ khí thông thường đang ở thời điểm quan trọng. Nếu được thông qua, Hiệp ước sẽ có những ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ giữa các quốc gia, các cơ chế khu vực và hoạt động của mỗi quốc gia. ATT sẽ đặt ra nhiều vấn đề mới về pháp lý, chính trị, về cơ cấu tổ chức bộ máy liên quan của các quốc gia cũng như những chuẩn mực mới cho cộng đồng quốc tế. Khi được thông qua, ATT sẽ là văn kiện có tính ràng buộc điều chỉnh hoạt động của các nước trong lĩnh vực vũ khí thông thường. Đây là một tính chất đáng chú ý trong khi tất cả các nỗ lực quốc tế, đa phương về giải trừ quân bị và kiểm soát vũ khí thông thường trong quan hệ quốc tế hiện đại gần 100 năm qua đều chỉ có thể dừng lại ở các cơ chế mang tính tự nguyện.
Vai trò của vũ khí thông thường thể hiện trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, trong an ninh, quốc phòng và trong luật pháp quốc tế bởi theo quan điểm nhiều bên khác nhau, đây là một trong những công cụ chính để thực hiện quyền tự vệ chính đáng được thừa nhận trong các điều ước quốc tế quan trọng, trong đó có Hiến chương LHQ. Kể từ khi được khởi động (năm 2006) tới nay, thực tiễn quá trình thảo luận tại Nhóm Chuyên gia Chính phủ, Nhóm làm việc mở, và Ủy ban Trù bị cũng cho thấy còn có nhiều quan điểm khác nhau về các nội dung cụ thể như phạm vi điều chỉnh, tiêu chí áp dụng, các biện pháp thực hiện, các yêu cầu về báo cáo, hợp tác và hỗ trợ quốc tế… Điều đó đòi hỏi các bên liên quan cần hết sức nỗ lực để tìm kiếm mẫu số chung và đảm bảo nguyên tắc đồng thuận trong tiến trình thương lượng văn kiện ATT.
Phát biểu khai mạc hội thảo, trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Văn Thảo nhấn mạnh, chính sách nhất quán của Việt Nam là ủng hộ các nỗ lực quốc tế nhằm mục đích giải trừ quân bị toàn diện và triệt để, với ưu tiên cao là giải trừ vũ khí hủy diệt hàng loạt. Việt Nam tham gia và nghiêm túc thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm trong các cơ chế liên quan tới vũ khí thông thường, trong đó có Cơ chế Đăng ký Vũ khí thông thường của LHQ, Chương trình hành động về chống buôn bán bất hợp pháp súng nhỏ, vũ khí nhẹ… Việt Nam cũng nghiêm túc tham gia tiến trình ATT, đồng thời cho rằng tất cả các bên liên quan cần có cơ hội nghiên cứu và trình bày quan điểm.
Bà Kate Harrison, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Vương quốc Anh và Bắc Ailen tại Hà Nội phát biểu khẳng định ATT cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Anh. ATT được thông qua sẽ góp phần ràng buộc những quốc gia thành viên thực hiện nghiêm túc những cam kết có lợi cho an ninh thế giới nhằm kiểm soát thị trường mua bán vũ khí, giảm tình trạng mua bán vũ khí bất hợp pháp...
Hội thảo gồm 5 phiên, trong hai ngày (22-23/11), đại diện các cơ quan Việt Nam và các chuyên gia sẽ cùng nhau trao đổi, chia sẻ thông tin để làm rõ hơn những nội dung mà Việt Nam có thể đóng góp trong tiến trình ATT, làm sáng tỏ hơn các vấn đề như các loại vũ khí ATT cần điều chỉnh, các tiêu chí khách quan, cân bằng, phù hợp để đưa vào ATT, cơ chế thực hiện hợp lý, các biện pháp mà các quốc gia cần triển khai để hoàn thành trách nhiệm theo ATT... Các đại biểu của Viện LHQ Nghiên cứu giải trừ quân bị, Nhóm làm việc của Anh về ATT sẽ trình bày các vấn đề cơ chế của LHQ về kiểm soát chuyển giao vũ khí.
Đỗ Quyên