Bên lề Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII:

Hiến pháp sửa đổi thể hiện rõ quyền con người

Tại kỳ họp thứ 6 sáng 28/11, các đại biểu Quốc hội đã thông qua toàn văn Dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) với sự đồng thuận cao. Bên lề kỳ họp, các đại biểu Quốc hội đã khẳng định việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 phù hợp với nguyện vọng của nhân dân cả nước, khắc phục được những hạn chế, bất cập của Hiến pháp hiện hành.

Đại biểu Quốc hội vỗ tay hoan nghênh sau khi tiến hành biểu quyết thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN


Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đánh giá việc Quốc hội thông qua Dự thảo Hiến pháp (sửa đổi) với tỷ lệ rất cao hơn 97% đã chứng tỏ sự đồng thuận, nhất trí rất cao trong các đại biểu Quốc hội. Ban soạn thảo đã có sự tiếp thu, chắt lọc các ý kiến của cử tri, các đại biểu Quốc hội cũng như các nhà khoa học trong bản Dự thảo trình Quốc hội.

Trước khi thông qua, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Uông Chu Lưu đã trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về Dự thảo Hiến pháp (sửa đổi). Một số nội dung đại biểu Quốc hội đề nghị được cân nhắc cũng đã được Ban soạn thảo giải thích cụ thể, thỏa đáng.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh tâm đắc với những điểm mới nổi bật trong Hiến pháp lần này, đó là về quyền con người được quan tâm và chú trọng bảo vệ; thể hiện nhất quán đường lối của Đảng và Nhà nước ta trong việc công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.... Một nội dung được nhiều đại biểu quan tâm đó là về chính quyền địa phương. Việc đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương để thể chế hóa các nghị quyết của Đảng và đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới...

Đại biểu Trương Thái Hiền (Kiên Giang) thể hiện sự phấn khởi khi Quốc hội thông qua toàn văn Dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành cao. Với góc nhìn của một cán bộ công tác trong ngành Tòa án, đại biểu tin tưởng bản dự thảo Hiến pháp (sửa đổi) được thông qua sẽ tạo điều kiện và làm tiền đề để ngành tòa án đóng góp xây dựng Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.

Đại biểu cho rằng, cùng với việc thông qua Dự thảo Hiến pháp (sửa đổi)và dự kiến ngày mai, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho hoạt động xét xử của ngành tòa án. Đại biểu đánh giá, dự thảo Hiến pháp (sửa đổi) được thông qua có nhiều điểm mới, tạo điều kiện cho quyền công dân được mở rộng hơn. Theo đại biểu, các cơ quan pháp luật phải đóng vai trò chủ công, đặc biệt là tòa án thông qua các hoạt động xét xử để tuyên truyền, phổ biến, đưa Hiến pháp vào cuộc sống.

Đánh giá cao việc Quốc hội nhất trí thông qua bản Hiến pháp, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng Hiến pháp lần này đã thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Đặc biệt, Hiến pháp đã thể hiện rõ nhiều nội dung về quyền con người như: quyền sống, quyền học tập và những quyền khác đã được pháp luật quy định.


PV
Thông qua Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp sửa đổi
Thông qua Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp sửa đổi

Sau khi thông qua toàn văn Dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi), trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày dự thảo Nghị quyết qui định một số điểm thi hành Hiến pháp (sửa đổi).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN