Hậu Giang: Quan tâm hỗ trợ tín dụng chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo

Chiều 8/12, Đoàn giám sát của Chính phủ làm việc tại tỉnh Hậu Giang về kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP (về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình).

Chú thích ảnh
Ông Huỳnh Văn Thuận, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, ông Huỳnh Văn Thuận, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội, Trưởng đoàn giám sát đánh giá, thời gian qua, tỉnh Hậu Giang rất quan tâm việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ; chất lượng tín dụng ổn định, dư nợ tăng trưởng tốt.

Trưởng đoàn giám sát đề nghị, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh tiếp tục triển khai tốt 3 chương trình mục tiêu quốc gia, khắc phục những mặt chưa làm được và tập trung thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Kết luận 06-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời tiếp tục tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân nắm rõ thông tin các Chương trình mục tiêu quốc gia, đối tượng thụ hưởng, các chương trình tín dụng chính sách; nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, khuyến ngư, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, từ đó, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn chính sách; tiếp tục rà soát, quan tâm triển khai hỗ trợ tín dụng chính sách, xây dựng các mô hình sản xuất, hướng dẫn đầu tư đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo; kiểm tra việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia lồng ghép với chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, hạn chế tối đa việc lạm dụng chính sách.

Năm 2022, kế hoạch vốn ngân sách phân bổ cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Hậu Giang là hơn 15,2 tỷ đồng (vốn đầu tư trên 9,4 tỷ đồng, vốn sự nghiệp trên 5,8 tỷ đồng) và vốn tín dụng 12,7 tỷ đồng. Hiện tỉnh đã giải ngân 14,17% kế hoạch vốn đầu tư, 5% kế hoạch vốn sự nghiệp. Vốn tín dụng đã triển khai giải ngân gần 11 tỷ đồng cho 276 hộ, số còn lại dự kiến đến 20/12/2022 sẽ hoàn thành giải ngân.

Nguồn vốn ngân sách năm 2022 phân bổ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên 25,4 tỷ đồng (vốn đầu tư là 845 triệu đồng, vốn sự nghiệp trên 24,5 tỷ đồng) và vốn tín dụng 325 tỷ đồng.

Hiện tỉnh đã giải ngân 2,7/24,563 tỷ đồng vốn sự nghiệp; trên 267,2/325 tỷ đồng vốn tín dụng. Riêng vốn đầu tư, đến nay chưa giải ngân.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tổng số kế hoạch vốn ngân sách được giao trên 100,3 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển là 73,86 tỷ đồng, vốn sự nghiệp trên 26,49 tỷ đồng). Hiện đã giải ngân 49,27% kế hoạch vốn đầu tư, 15% kế hoạch vốn sự nghiệp.

Nguồn vốn tín dụng góp phần thực hiện các tiêu chí nông thôn mới 271 tỷ đồng, đã giải ngân 91,1% kế hoạch.

Thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP trên địa bàn, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hậu Giang đang tham mưu UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp rà soát nhu cầu vốn các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP. Qua tổ chức rà soát nhu cầu nguồn vốn tín dụng, tổng hợp nhu cầu vốn vay năm 2022 và năm 2023 là 589,6 tỷ đồng.

Đến 30/11/2022, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh được Trung ương phân bổ chỉ tiêu nguồn vốn 283 tỷ đồng. Kết quả giải ngân Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình từ ngày 27/4/2022 đến ngày 30/11/2022 trên 202,2 tỷ đồng, đạt 71,48% chỉ tiêu kế hoạch giao.

Tin, ảnh: Hồng Thái (TTXVN)
Không để ai bị bỏ lại phía sau vì thiếu vốn
Không để ai bị bỏ lại phía sau vì thiếu vốn

Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững ở tỉnh Quảng Nam là cả một hành trình gian nan và tâm huyết của các cấp ủy chính quyền địa phương cùng sự chung tay, đồng lòng của hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trong 20 năm qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN