Tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật
Đại biểu Siu Hương (Gia Lai) cho rằng, với tình hình hiện nay, cuộc giám sát tối cao này là đúng trọng tâm, trọng điểm và đáp ứng được nguyện vọng của cử tri cả nước.
Quốc hội thực hiện chương trình giám sát quy mô rất lớn từ trước đến nay, huy động lực lượng lớn tham gia. Các cơ quan của Quốc hội trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách đã tham gia và đóng góp nhiều ý kiến về kế hoạch, đề cương, các báo cáo giám sát chuyên đề. Tất cả các đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố đã tổ chức giám sát trực tiếp việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại địa phương.
Thống nhất cao với những kiến nghị của Đoàn giám sát, đại biểu Siu Hương đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian tới.
Theo đại biểu, trong việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, yếu tố đầu tiên phải đề cập đến là con người. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó tùy vào lĩnh vực mà xây dựng chương trình phù hợp. Báo cáo giám sát thể hiện rõ việc vi phạm pháp luật ở nhiều cấp độ, khía cạnh, nhưng tập trung vào một số lĩnh vực liên quan đến lợi ích như quản lý tài sản công, lĩnh vực đất đai.
Đại biểu cũng đề nghị tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật. Qua giám sát bộc lộ nhiều lĩnh vực pháp luật cần hoàn thiện cả về hình thức và nội dung. Theo đại biểu, chính các cơ quan chủ quản phải chịu trách nhiệm trong việc hoàn thiện pháp luật. Báo cáo đã phản ánh rất rõ nhiều lĩnh vực, nhiều nội dung sai phạm là do văn bản pháp luật chưa hoàn thiện hoặc chưa đồng bộ. "Vậy có khi nào chúng ta thử xem xét trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc chưa hoàn thiện pháp luật để cho các đơn vị trực thuộc hoặc trực tiếp quản lý xảy ra sai phạm? Đã đến lúc cần xem xét trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan chủ quản chưa làm tốt vai trò hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực ngành mình quản lý", đại biểu chỉ rõ.
Ngoài ra, cần tăng cường hơn nữa tính chủ động trong hoạt động giám sát của HĐND các cấp. Báo cáo của Đoàn giám sát phản ánh về tình trạng nhiều địa phương vi phạm trong sử dụng ngân sách quản lý tài sản công, đất đai. HĐND với vị trí là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, giám sát là một hoạt động hiến định và đã được văn bản luật quy định chi tiết. Do vậy, HĐND cần nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả trong hoạt động giám sát ở địa phương, kiến nghị các giải pháp, qua đó góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Lãng phí trách nhiệm gây thất thoát niềm tin
Đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) cho rằng, Báo cáo của Đoàn Giám sát đã nêu lên và phân tích khá toàn diện các vấn đề liên quan; tuy nhiên, đó mới chỉ là "bề nổi của tảng băng". Theo đại biểu, đằng sau những lãng phí hữu hình ấy là những lãng phí vô hình với sức tàn phá lớn hơn nhiều, không chỉ "làm mất đi cơ hội phát triển", mà còn làm nghèo đất nước, làm lãng phí những nguồn lực quý giá của quốc gia.
Dẫn lại câu chuyện về những bệnh viện đầu ngành xin thôi tự chủ, một số bệnh viện công không thể đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế hay chuyện không ít cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước không làm hoặc không dám làm... đại biểu phân tích, những việc này gây biết bao lãng phí về thời gian, công sức, tiền bạc, cơ hội kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp. "Ở góc độ nào đó, những người trong cuộc bị đánh giá là thiếu tinh thần trách nhiệm; thiếu ý thức đấu tranh, thiếu năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm… nhưng tôi cho rằng, phần đông trong số họ là những người có lương tâm và trách nhiệm. Chỉ có điều, tinh thần trách nhiệm của họ do nhiều nguyên nhân không được phát huy, bị lãng phí và từ đó, gây nên những lãng phí khôn lường, không đo đếm hết được cho xã hội, cho đất nước", đại biểu nêu quan điểm.
Đại biểu Trần Hữu Hậu cho biết, tại Kỳ họp thứ 3, đại biểu đã nêu lên các vướng mắc của các quy định liên quan đến sử dụng kinh phí chi thường xuyên trong thực hiện việc nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các công trình công cộng cấp bách bị vướng quy định của Luật Đầu tư công. Cả hai Bộ trưởng: Giao thông vận tải và Tài chính đều xác nhận đây là một vướng mắc lớn với các địa phương, bộ, ngành và cần phải sửa. Hiện nay, các địa phương đang xây dựng dự toán ngân sách 2023, song đang "đau đầu" trong việc sử dụng ngân sách thế nào cho có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu bức thiết của cử tri, người dân mà không vi phạm các quy định.
Theo đại biểu, sau Kỳ họp thứ 3, Bộ Tài chính đã khẩn trương soạn thảo tờ trình về Nghị quyết bổ sung quy định về việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước để thực hiện xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng tài sản công hằng năm. Nghị quyết này nếu được thông qua tại Kỳ họp thứ 4 sẽ là sự tháo gỡ lớn cho các bộ, ngành, địa phương.
Tuy nhiên, gần nửa kỳ họp trôi qua vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Đại biểu cho rằng, trong sự việc trên, tinh thần trách nhiệm đáng trân trọng của lãnh đạo, cán bộ, công chức Bộ Tài chính đang bị bỏ lãng phí và "sẽ đưa đến những thiệt hại khó đong đếm hết được". Do đó, Chính phủ cần sớm xem xét, thông qua đề xuất của Bộ Tài chính; nhanh chóng trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về vấn đề này.
Đại biểu cũng nhấn mạnh, việc thất thoát, lãng phí trách nhiệm đang trở nên phổ biến trong các cấp, các ngành, ở bộ phận không nhỏ cơ quan đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức. Sự thất thoát, lãng phí này đã, đang gây ra những hậu quả khôn lường trong hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thực thi công vụ… làm thất thoát, lãng phí niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Vì vậy, cần có giải pháp căn cơ, hành động quyết liệt, biện pháp cụ thể để không bị lãng phí trách nhiệm, lãng phí niềm tin - những tài sản, tài nguyên vô giá của sự phát triển đất nước.