Thời điểm mới thành lập, huyện Hàm Thuận Bắc đứng trước rất nhiều thách thức, là huyện nghèo, thuần nông, cơ sở hạ tầng thấp kém, thời tiết khô hạn, sản xuất nông nghiệp bấp bênh, thường xuyên mất mùa. Song 40 năm qua, Đảng bộ và nhân dân huyện Hàm Thuận Bắc tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, không ngừng thực hiện công cuộc đổi mới, đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hàm Thuận Bắc cho biết, từ một địa phương có đặc điểm thời tiết khắc nghiệt, đến nay, toàn huyện có 45 công trình thủy lợi nhỏ và vừa, nhất là công trình hồ Sông Quao được đầu tư xây dựng hoàn thành năm 1997. Các công trình thủy lợi đã tạo động lực giải phóng mọi nguồn lực sản xuất nông nghiệp. Nhiều vùng đất hoang hóa, cằn cỗi, nhiều cánh đồng lúa 1 vụ bấp bênh trở thành 2, 3 vụ ăn chắc hoặc vùng cây ăn quả xanh tốt. Đến nay, diện tích tưới chủ động toàn huyện đạt trên 90%, gấp hơn 9 lần so với lúc mới chia tách.
Bên cạnh cây lúa, Hàm Thuận Bắc đã hình thành nhiều vùng cây ăn quả tập trung như thanh long, sầu riêng, bưởi… với tổng diện tích hơn 14.000 ha. Toàn huyện hiện có 45 trang trại trồng trọt, chăn nuôi và xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như dưa lưới, thanh long, chăn nuôi lợn… đạt hiệu quả kinh tế cao. Sản lượng lương thực năm 2022 đạt hơn 164 ngàn tấn, gấp hơn 4,7 lần so với năm 1983. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt hơn 150 triệu/ha vào năm 2022, gấp hơn 10 lần trước khi có công trình thủy lợi Sông Quao (1995), đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thạch, thời điểm lúc mới chia tách, huyện có gần 70% hộ nghèo khó, thiếu ăn, đến nay đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận nhân dân được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 48 triệu đồng, gấp 4 lần so với năm 1995. Tỷ lệ hộ dùng điện, sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 99%. Các hộ gia đình có nhà ở khang trang, kiên cố. Hộ nghèo đa chiều từ 14,88% năm 2001 giảm xuống còn 4,44% năm 2022; hộ cận nghèo còn 4,47%.
Tại buổi Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập huyện, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An yêu cầu Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Hàm Thuận Bắc tiếp tục phát huy những thành quả đạt được trong thời gian qua; tận dụng những yếu tố về vị trí địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng, con người, truyền thống cách mạng..., lấy nội lực là cơ bản chiến lược, lâu dài, quyết định; ngoại lực là quan trọng và đột phá, nhất trí đồng lòng, ra sức thi đua, phấn đấu nhiều hơn, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn để xây dựng quê hương Hàm Thuận Bắc ngày càng giàu mạnh hơn nữa.
Theo Bí thư Tỉnh ủy, huyện cần chú ý khai thác một cách có hiệu quả điều kiện tự nhiên - văn hóa - xã hội, nhất là về đất đai, tài nguyên, cảnh quan thiên nhiên, khí hậu, nhân tố con người… để cơ cấu lại từng ngành kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế theo hướng nhanh, bền vững.
Huyện thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao; tích cực thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển; huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng bảo đảm đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển, chú ý những vùng còn khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số; duy trì bền vững những kết quả đạt được về xây dựng nông thôn mới và hướng tới xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới.