Hải Phòng tăng tốc thực hiện các giải pháp đột phá về hiện đại hóa đô thị

Ngày 8/12, trong phiên trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 9, khóa XVI của HĐND thành phố Hải Phòng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, thành phố sẽ chỉ đạo quyết liệt để giải quyết vấn đề nhà ở xã hội, tiếp tục đầu tư cho khu vực nông thôn, thành thị để thực hiện thắng lợi chủ đề năm 2023 là “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số”.

Chú thích ảnh
Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội thành phố năm 2022 và định hướng năm 2023.

Ông Nguyễn Văn Tùng thông tin, năm 2022, Hải Phòng có 14/19 chỉ tiêu kinh tế, xã hội đạt và vượt mục tiêu kế hoạch HĐND thành phố giao, đạt 73,68% và có 5/19 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra, với tỷ lệ 26,32%. Quy mô kinh tế Hải Phòng đứng thứ 6 cả nước. Thành phố duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức hai con số trong 7 năm liên tục (từ năm 2015 đến nay). Thời gian qua, thành phố dành nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đô thị và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Tổng vốn đầu tư cho khu vực thành thị trong xây dựng cầu đường, chỉnh trang đô thị là khoảng 20.000 tỉ đồng và đầu tư xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu là khoảng 17.000 tỉ đồng.

Cùng với đó, Hải Phòng là địa phương đi đầu trong cải tạo chung cư cũ. Sau khi hoàn thành xây dựng, đến nay, thành phố đã tổ chức đưa các hộ dân quay trở lại sinh sống tại các khu chung cư đã được xây mới với tổng số 850/1.323 hộ.

Theo Chủ tịch UBND thành phố, về xây dựng dự án nhà ở xã hội mới, Hải Phòng đã lựa chọn dự án với quy mô khoảng 17ha, gồm 4.500 căn hộ đáp ứng đủ nhu cầu cho khoảng 3.500 hộ dân địa bàn quận Ngô Quyền, quận Hồng Bàng và các nhu cầu về nhà ở xã hội khác của địa bàn quận Ngô Quyền.

Về các nội dung khác liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng năm 2023, ông Nguyễn Văn Tùng cho biết, với mục tiêu tăng tốc đổi mới, cơ cấu lại, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh, khả năng chống chịu và thích ứng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thành phố quyết liệt chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực, tăng tốc thực hiện các giải pháp đột phá về xây dựng, phát triển, hiện đại hóa đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng du lịch và hạ tầng số; tiếp tục thu hút, tạo mọi điều kiện để triển khai các động lực mới cho phát triển kinh tế thành phố.

Cùng với đó, thành phố đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Theo báo cáo của UBND thành phố Hải Phòng, năm 2023, thành phố phấn đấu đạt một số chỉ tiêu kinh tế như độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội GRDP (giá so sánh 2010) tăng khoảng 12,7% - 13% so với năm 2022. Về các chỉ tiêu khác, thành phố phấn đấu, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hơn 116.442 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 42.500 tỷ đồng. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 185 triệu tấn; thu hút khách du lịch đạt trên 7,3 triệu lượt khách. Về xây dựng nông thôn mới, thành phố toàn thành xây dựng 35 xã nông thôn mới kiểu mẫu từ năm 2022 chuyển sang và triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại 35 xã tiếp theo năm 2023.

Tin, ảnh: Minh Thu (TTXVN)
HĐND tỉnh Lâm Đồng: Bầu, miễn nhiệm một số chức danh quan trọng
HĐND tỉnh Lâm Đồng: Bầu, miễn nhiệm một số chức danh quan trọng

Trong hai ngày 8-9/12, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa X (nhiệm kỳ 2021-2026).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN