Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của thành phố tập trung thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, xác minh làm rõ tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế để áp dụng kịp thời các biện pháp thu giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, đảm bảo cho việc thu hồi tài sản trong các vụ án; chỉ đạo Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp thực hiện tốt công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, trong đó có hoạt động kiểm sát thi hành án.
Các cơ quan chức năng của thành phố Hải Phòng đã chủ động áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản để thu hồi tài sản chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; tích cực vận động các bị can, bị cáo, bị án, gia đình và những người có liên quan tự nguyện nộp lại tài sản chiếm đoạt, thu lợi bất chính; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, thi hành các bản án đã có hiệu lực pháp luật, giúp nâng cao hiệu quả thu hồi.
Qua đánh giá của Tổng cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp, Hải Phòng đứng trong tốp 10 tỉnh, thành phố trên toàn quốc hoàn thành 4 chỉ tiêu cơ bản, đó là số lượng tiền thu lớn, giải quyết được nhiều việc, giảm việc và tiền phải thi hành án.
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình cũng nêu một số hạn chế trong thu hồi tài sản tại Hải Phòng như: Tỷ lệ thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế vẫn còn thấp so với số tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát (trong giai đoạn thi hành án mới đạt tỷ lệ 30,16% tổng số tiền phải thi hành).
Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, các cơ quan tiến hành tố tụng mới quan tâm tới việc điều tra, xác minh làm rõ hành vi phạm tội của các bị can, bị cáo. Trong nhiều trường hợp, chưa chủ động, xác minh, truy tìm tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, tài sản thuộc quyền sở hữu của bị can, bị cáo để thu giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản phục vụ cho việc thi hành án.
Công tác kiểm sát điều tra của Viện Kiểm sát mới chỉ tập trung vào việc yêu cầu cơ quan điều tra chứng minh, làm rõ hành vi phạm tội của các bị can, chưa quan tâm nhiều tới việc yêu cầu cơ quan điều tra xác minh, làm rõ tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, tài sản thuộc quyền sở hữu của bị can để thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản...
Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa cơ quan thi hành án với các đơn vị liên quan (Tòa án, Viện Kiểm sat, Công an...) và chính quyền địa phương trong công tác thi hành án dân sự, trong một số trường hợp còn chưa chặt chẽ.
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng chống tham nhũng, nhất là công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng và thu hồi tối đa tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; chỉ đạo xử lý kịp thời những vụ việc phức tạp, khó khăn, vướng mắc về thu hồi tài sản.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành cho biết, Thành ủy Hải Phòng xác định công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng tại thành phố là nhiệm vụ rất quan trọng. Do đó, Thành ủy Hải Phòng không chỉ chỉ đạo các cơ quan liên quan thu hồi tài sản từ các vụ án kiểm tra xử lý có được, mà còn tiếp tục khắc phục hậu quả, tập trung thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế khác, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.