Tại kỳ họp, Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương đã thông qua Nghị quyết về phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong năm 2022. Theo đó, năm 2022, Hải Dương phấn đấu tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 10%; thu ngân sách nội địa tăng 10%; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 185 triệu đồng; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đến cuối năm đạt 6,2%; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 15% (so với thực hiện 2021). Tỉnh cũng phấn đấu tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 92%; đến cuối năm 2022 đạt 33 giường bệnh/10.000 dân (không tính trạm y tế xã); đạt 9,6 bác sỹ/10.000 dân; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,75% (theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2021-2025)...
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương Phạm Xuân Thăng yêu cầu, Ủy ban nhân dân tỉnh, các cấp, ngành, địa phương chủ động kiểm soát, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch COVID-19 nhằm thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” là vừa phòng, chống, kiểm soát tốt dịch bệnh và đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, phấn đấu đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu chủ yếu.
Trong năm 2022, Hải Dương sẽ hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050, đồng thời tiếp tục điều chỉnh quy hoạch các vùng huyện, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho phù hợp với quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt để đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Người đứng đầu tỉnh Hải Dương cũng đề nghị, các sở, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo và huy động tối đa nguồn lực để thực hiện chương trình, đề án, công trình, dự án trọng điểm thực hiện Nghị quyết đại hội đảng các cấp, nhất là dự án đầu tư phát triển hạ tầng về giao thông, tuyến đường kết nối liên vùng trong tỉnh và ngoài tỉnh nhằm tạo ra không gian phát triển mới.
Ông Phạm Xuân Thăng cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác, đa dạng hình thức xúc tiến đầu tư FDI, trong đó đặc biệt chú trọng thu hút các nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu.... Cùng với đó là hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện hạ tầng 6 khu công nghiệp, 20 cụm công nghiệp, với tổng diện tích trên 2.400 ha để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư. Hải Dương tiếp tục trình Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch 4 khu công nghiệp và cho phép thành lập Vùng công nghiệp động lực tiến tới đủ điều kiện để thành lập một khu kinh tế (khoảng 10.000 ha).
Thời gian tới, Hải Dương tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh theo phương châm "đồng hành với doanh nghiệp, coi sự phát triển của doanh nghiệp là sự phát triển của tỉnh"; định kỳ ít nhất 6 tháng một lần cấp tỉnh, cấp huyện gặp gỡ, tổ chức đối thoại, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi và phát triển. Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cũng yêu cầu sở, ngành chức năng tiếp tục rà soát, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư, kinh doanh; siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ của cán bộ, công chức trong việc giải quyết thủ tục liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp.
Trong năm 2022, Hải Dương xác định là năm giải phóng mặt bằng để thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn, lãnh đạo tỉnh yêu cầu cần tập trung tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận cao của nhân dân trong công tác này. Thời gian tới, để đảm bảo thu, chi ngân sách, Hải Dương thực hiện giảm chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư; tập trung nguồn lực cho Quỹ phát triển đất của tỉnh để thực hiện nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất “sạch” đấu giá quyền sử dụng đất, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước; huy động tối đa nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Tỉnh khẩn trương triển khai các dự án đầu tư công, tập trung vào công trình trọng điểm hạn chế tối đa công trình nhỏ lẻ, phân tán; tăng cường quản lý nhà nước sau đầu tư, kiên quyết thu hồi dự án chậm triển khai để xử lý theo quy định của pháp luật.
Ông Phạm Xuân Thăng cũng yêu cầu thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Tỉnh ủy Hải Dương về chuyển đổi số; tập trung ứng dụng chuyển đổi số trong xây dựng chính quyền số, đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số.
Hải Dương tiếp tục đổi mới hoạt động giáo dục và đào tạo; phát triển mạng lưới y tế cơ sở; chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh. Tỉnh thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần và cải thiện chất lượng, môi trường sống của nhân dân, nhất là ở khu vực nông thôn…
Tại kỳ họp này, Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương đã thông qua 24 nghị quyết gồm: Nghị quyết về chuyển loại rừng; các Nghị quyết về thu, chi ngân sách, phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tỷ lệ phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách trên địa bàn tỉnh Hải Dương; Nghị quyết về đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực y tế và giáo dục đào tạo; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn… Đây cũng là lần đầu tiên, Hải Dương thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.
Sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương đề nghị, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, giám đốc các sở tiếp thu nghiêm túc ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và cử tri, thực hiện nghiêm túc lời hứa của mình trước cử tri và nhân dân; kịp thời đề ra giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế để sớm khắc phục tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác chỉ đạo, điều hành nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước của tỉnh trong thời gian tới. Hội đồng nhân dân tỉnh tập trung theo dõi, giám sát việc thực hiện "lời hứa" của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị…