Hà Nội triển khai biện pháp khẩn cấp khống chế sởi

Trước tình hình bệnh sởi tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến đời sống xã hội, ngày 18/4, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, quận, huyện nhằm triển khai các biện pháp khẩn cấp để dập dịch.

Chủ tịch UBND Tp Hà Nội Nguyễn Thế Thảo yêu cầu Sở Y tế tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình bệnh sởi trên địa bàn để kịp thời tham mưu cho thành phố về khả năng có công bố dịch hay không?. Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, mặc dù chưa công bố dịch, nhưng Hà Nội vẫn phải tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp khẩn cấp như có dịch, nhằm khống chế bệnh sởi trong thời gian sớm nhất, hạn chế tối đa tử vong.

Bộ Y tế họp báo thông tin phòng, chống dịch sởi tại Hà Nội, ngày 18/4. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN


Chủ tịch UBND thành phố lưu ý, trong vài ngày tới, Sở Y tế Hà Nội cần nắm chắc tình hình dịch bệnh, về quy mô, tính chất, khả năng kiểm soát, ngăn chặn bệnh sởi lây lan thành dịch lớn. Trong trường hợp cần thiết có thể huy động nguồn kinh phí dự phòng cho công tác phòng chống dịch. Để giảm thiểu các ca tử vong, mà nguyên nhân chính là do lây nhiễm chéo, ngành Y tế phải kết hợp nhiều giải pháp để cách ly số bệnh nhân sởi với các bệnh nhân khác, buộc phải phân vùng để điều trị, tránh dồn hết lên tuyến trên; kể cả trường hợp phải đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực để bố trí thêm khu cách ly điều trị cứu chữa cho người bệnh.

Trung tâm Y tế Dự phòng phải chịu trách nhiệm chính cùng với các quận, huyện đến từng điểm phát sinh bệnh sởi để khoanh vùng, xử lý, ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Đối với vấn đề tiêm vắc-xin phòng sởi, Chủ tịch yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh, trong đó phải nâng cao trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc chủ động tiêm phòng bệnh sởi cho con em.

Theo báo cáo của lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, trong ngày 18/4, tại các bệnh viện của Hà Nội có 104 ca đến khám bệnh sởi, 66 ca sởi nhập viện và 43 ca ra viện. Hiện có 459 bệnh nhân sởi đang điều trị nội trú, trong đó có 7 trường hợp thở máy. Bệnh nhân nằm điều trị nhiều nhất ở các Bệnh viện Xanh Pôn (109 bệnh nhân), Đống Đa (87 bệnh nhân), Thanh Nhàn (39 bệnh nhân), Hà Đông (36 bệnh nhân) và Đức Giang (30 bệnh nhân). Trong 1 tuần trở lại đây, số bệnh nhân sởi nhập viện có xu hướng chững lại và không có thêm bệnh nhân tử vong. Ghi nhận từ các bệnh viện của Hà Nội, số bệnh nhân sởi tử vong chủ yếu do bị lây chéo, bội nhiễm. Do đó, nếu thực hiện tốt việc phân tuyến điều trị cho bệnh nhân, tránh dồn hết lên tuyến Trung ương và bệnh viện hạng 1 sẽ hạn chế được tử vong.

Trước đó, ngày 17/4, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã ký Công điện số 04/CĐ – UBND yêu cầu Chủ tịch UNBD quận, huyện, thị xã, giám đốc Sở, ngành, Thủ trưởng các ban ngành, đoàn thể thành phố thực hiện nghiêm Công điện số 477/CĐ – TTg ngày 16/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng, chống bệnh sởi; đồng thời nêu rõ Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố về công tác phòng chống bệnh sởi trên địa bàn.


Tuyết Mai
Quyết liệt triển khai nhiều biện pháp khống chế bệnh sởi
Quyết liệt triển khai nhiều biện pháp khống chế bệnh sởi

Tính đến ngày 18/4, cả nước đã ghi nhận 3.256 trường hợp mắc sởi, trên 8.779 người bị sốt phát ban nghi mắc bệnh sởi tại 61/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, tập trung chủ yếu ở trẻ em chưa được tiêm vắc-xin phòng sởi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN