Ngày 8/6, tại hội nghị quán triệt kỷ cương hành chính và phát động phong trào "Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng", Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, qua hơn 2 năm thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử (Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố), đã xuất hiện nhiều mô hình hay, tấm gương điển hình tiên tiến, “Những bông hoa đẹp” trong giao tiếp, ứng xử và phục vụ nhân dân, tạo nên hình ảnh một chính quyền thành phố thân thiện, gần dân.
Quy tắc ứng xử nơi công cộng không chỉ được tuyên truyền ở nhiều nơi, bằng nhiều hình thức mà đã dần trở thành nếp nghĩ, thói quen đẹp của nhiều người Hà Nội. Nét đẹp văn hóa ứng xử của người dân Thủ đô đã góp phần xây dựng và quảng bá hình ảnh Hà Nội thân thiện, an toàn và mến khách đối với tất cả du khách trên thế giới. Vì vậy, lượng khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ngày càng cao.
Những tấm gương điển hình trong vận dụng Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức...cho thấy Quy tắc này đang trở thành công cụ hữu hiệu để điều chỉnh lời nói, việc làm; khẳng định một chủ trương đúng đắn của thành phố nhằm tạo lập kỷ luật, cương hành chính, trên tinh thần phục vụ nhân dân.
Kết quả nêu trên phản ánh sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành từ thành phố đến cơ sở; sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; sự tâm huyết, làm việc đầy trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; sự ủng hộ, đồng thuận, chia sẻ của người dân Thủ đô.
Bên cạnh kết quả đạt được, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng thẳng thắn nêu rõ những tồn tại, hạn chế như: Trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền địa phương có nơi, có chỗ, việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo ở cơ sở chưa được tập trung giải quyết, tình trạng tập trung đông người, vượt cấp có dấu hiệu gia tăng.
Người dân còn phàn nàn về tình trạng ô nhiễm không khí, rác thải, về trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong việc xử lý trách nhiệm các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn gây ô nhiễm môi trường; về chính quyền cơ sở còn buông lỏng quản lý, có nơi, có chỗ còn có dấu hiệu bao che.
Việc tổ chức bầu cử Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố có nơi, có chỗ còn thiếu dân chủ, áp đặt, thiếu thông tin rõ ràng. Tình hình mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân nhất là tại các khu dân cư chưa được chính quyền cấp xã quan tâm, giải quyết triệt để, tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về an ninh, trật tự. Trách nhiệm quản lý nhà nước của chính quyền cấp xã về phòng cháy, chữa cháy còn hạn chế, không rõ ràng, còn để xảy ra một số vụ gây thiệt hại về người và tài sản.
Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính bộ phận “Một cửa” cấp xã ở một số nơi còn chưa tốt. Người dân vẫn phản ánh về biểu hiện sách nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp, đặc biệt tình trạng “tham nhũng vặt” vẫn xảy ra gây bức xúc đối với người dân; còn rất nhiều hình ảnh không đẹp diễn ra tại nơi công cộng.
Thực tế tồn tại, yếu kém trên cho thấy thành phố còn rất nhiều công việc cần phải làm, cần sự chung tay, vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm, tận tâm hơn nữa của cả hệ thống chính trị. Trong đó vai trò tiền phong, gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô có ý nghĩa quyết định, có sức lan tỏa và tạo sự đồng thuận để mọi người dân Thủ đô ủng hộ, làm theo.
Đáng chú ý, để hưởng ứng và tổ chức triển khai phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” do Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã phát động vào ngày 19/5/2019, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng, thành phố phát động phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng”, gắn với việc thực hiện hai bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn thành phố.
Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành, các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện với những việc làm thiết thực, cụ thể, tạo sự chuyển biến, đổi mới toàn diện trong thực hiện văn hóa công sở và thực thi nhiệm vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức trong toàn thành phố; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt đến 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm những quy định của quy tắc ứng xử, văn hóa công sở; tổ chức các hội thi cán bộ, công chức, viên chức thanh lịch, văn minh, qua đó lan tỏa nhiều gương điển hình tiến tiến, người tốt, việc tốt; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục bổ sung vào quy chế làm việc; đưa quy tắc ứng xử vào nội dung các buổi sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt chi bộ.
Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức lấy ý kiến khảo sát đánh giá sự hài lòng của tổ chức, công dân đến làm việc, giao dịch với cơ quan công sở; tổ chức đánh giá hàng tháng, xếp loại thi đua hàng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan; xây dựng chế tài xử lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vi phạm Quy tắc ứng xử đồng thời xây dựng tiêu chí khen thưởng, biểu dương kịp thời tập thể, cá nhân thực hiện tốt Quy tắc ứng xử và thực hiện tốt phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”.
Cũng tại hội nghị, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng đã thay mặt UBND thành phố Hà Nội công bố kết quả chỉ số cải cách hành chính của các sở, UBND quận, huyện, thị xã năm 2018 và Chỉ thị của Chủ tịch UBND thành phố về “Đẩy mạnh các giải pháp nhằm nâng cao các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền thành phố”.
Theo đó, chỉ số cải cách hành chính của Sở Tài chính tiếp tục đứng cao nhất trong khối các sở, cơ quan ngang sở. Các đơn vị thấp nhất gồm có: Sở Tài nguyên và Môi Trường, Sở Du lịch và xếp cuối là Sở Quy hoạch Kiến trúc. Trong 30 đơn vị quận, huyện, quận Nam Từ Liêm đứng đầu chỉ số cải cách hành chính, huyện Ba Vì xếp cuối bảng xếp hạng về chỉ số này.
Nhân dịp này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã trao tặng Bằng khen cho 10 tập thể và 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện văn hóa công sở và ứng xử nơi công cộng.