Theo các đại biểu, dự thảo Luật đã thể chế hóa đầy đủ và bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến trẻ em. Các quy định trong dự thảo Luật đã cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, bảo đảm tương thích với Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên, khắc phục những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành.
Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc xây dựng và ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên trong bối cảnh hiện này là rất cần thiết và phù hợp. Luật này có cách tiếp cận sâu sắc, nhất là các biện pháp xử lý chuyển hướng góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm người chưa thành niên, phù hợp tình hình hiện nay. Biện pháp này vừa giúp vụ việc được giải quyết nhanh chóng, vừa tạo điều kiện giúp các em sớm trở thành người tốt, tái hòa nhập cộng đồng.
Bà Phạm Thị Thu Hà, Phó Chánh án Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ quan điểm nhất trí với dự thảo Luật về việc làm rõ nội hàm của từng biện pháp xử lý chuyển hướng và quy định thêm các biện pháp xử lý chuyển hướng, tạo điều kiện cho cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều lựa chọn để áp dụng biện pháp phù hợp nhất với từng đối tượng người chưa thành niên. Nhiều biện pháp mới được bổ sung (hạn chế khung giờ sinh hoạt, đi lại; cấm đến một địa điểm nhất định; quản thúc tại gia đình) sẽ ràng buộc cao hơn trách nhiệm của gia đình và huy động sự tham gia của cộng đồng vào quá trình xử lý chuyển hướng để thực hiện hiệu quả việc quản lý, giám sát, giáo dục người chưa thành niên.
Theo bà Phạm Thị Thu Hà, dự thảo Luật quy định nhân viên công tác xã hội tham gia hoạt động tư pháp người chưa thành niên sẽ hạn chế tối đa việc áp đặt một chiều các biện pháp mang tính cưỡng chế, nghiêm khắc từ phía cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, cần đánh giá kỹ lưỡng tính khả thi để hoàn thiện các quy định về nhân viên công tác xã hội cho phù hợp. Băn khoăn lớn nhất là sự thiếu vắng các chủ thể hỗ trợ việc giám sát, giáo dục người chưa thành niên khi họ được xử lý chuyển hướng ngoài cộng đồng. Điều này dẫn đến tình trạng họ vi phạm nghĩa vụ và sẽ bị đưa vào trường giáo dưỡng. Ngoài ra, với biện pháp giám sát điện tử đối với người chưa thành niên bị buộc tội cũng đòi hỏi phải có kinh phí và nhân lực theo dõi, xử lý khi người chưa thành niên vi phạm.
Một trong những biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội trong dự thảo luật lần này có biện pháp hạn chế khung giờ sinh hoạt, đi lại. Cụ thể, tại khoản 2, Điều 42 quy định “Hạn chế ra khỏi nhà trong khung giờ nhất định là biện pháp nghiêm cấm người chưa thành niên ra khỏi nhà trong khung giờ cụ thể từ 18 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau”. Nội dung này nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu. Có ý kiến cho rằng khung giờ cấm này chưa phù hợp với các em đi học văn hóa, học nghề, gây khó khăn cho các em. Nhiều ý kiến khác cho rằng, việc cấm ra ngoài trong khung giờ quy định này là phù hợp, bởi thực tế cho thấy, không ít trường hợp các em ra ngoài trong khung giờ này đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Hơn nữa, thời hạn áp dụng biện pháp này không quá dài, chỉ trong 3 đến 6 tháng. Biện pháp này cũng có sự ràng buộc cao hơn, có tính răn đe đối với người chưa thành niên phạm tội.
Về thẩm quyền áp dụng, các ý kiến cho rằng cần giữ nguyên quy định của pháp luật hiện hành, theo đó cả 3 cơ quan là Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án đều có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng. Một số đại biểu cũng đề nghị, bổ sung thành phần của Hội đồng quốc gia về tư pháp người chưa thành niên gồm cả Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên…