Trình bày Tờ trình, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến nêu sự cần thiết ban hành Pháp lệnh.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã ban hành Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (Pháp lệnh số 09). Sau hơn 8 năm triển khai, bên cạnh những kết quả đạt được, đã bộc lộ một số hạn chế và bất cập đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh số 09 cho phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành.
Cụ thể, thời hạn xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn ngắn, gây khó khăn, áp lực trong thực tiễn giải quyết. Việc tham vấn ý kiến của các cơ quan chuyên môn khi cần làm rõ tình trạng sức khỏe, tâm lý, điều kiện sống, học tập và làm việc của người bị xử lý vi phạm còn thiếu cụ thể, chung chung; chưa quy định việc tổ chức phiên họp trực tuyến; cung cấp tài liệu bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án để phù hợp với thực tiễn...
Ngoài ra, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong đó sửa đổi bổ sung nhiều quy định có liên quan đến áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Đặc biệt, đã cho phép áp dụng biện pháp thay thế xử lý hành chính giáo dục dựa vào cộng đồng đối với người chưa thành niên bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã thông qua Pháp lệnh số 01/2022/UBTVQH15 về trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, có tính tương đồng với Pháp lệnh số 09. Trong khi đó, Pháp lệnh số 01 có nhiều quy định mới, tiến bộ mà Pháp lệnh số 09 hiện hành chưa có.
"Như vậy, có thể nói, Pháp lệnh số 09 không còn phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, của Luật Xử lý vi phạm hành chính và thiếu đồng bộ với Pháp lệnh số 01 nên cần thiết phải nghiên cứu, sửa đổi", Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh.
Dự thảo Pháp lệnh gồm 5 Chương, 44 điều.
Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến nêu các vấn đề cần xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, về quy định chỉ định luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên (khoản 4 Điều 2 dự thảo Pháp lệnh), đa số ý kiến tán thành dự thảo Pháp lệnh và cho rằng: người chưa thành niên bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng mà không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì Tòa án phải chỉ định người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ.
Mặc dù đây là vi phạm hành chính, nhưng người chưa thành niên bị hạn chế quyền tự do theo phán quyết của Tòa án và trình tự, thủ tục áp dụng tương tự như trong thủ tục tố tụng hình sự. Luật Trợ giúp pháp lý cũng mới chỉ quy định đối tượng được trợ giúp pháp lý là trẻ em (dưới 16 tuổi) trong các lĩnh vực pháp luật mà không bao gồm người chưa thành niên từ 16 đến dưới 18 tuổi. Do vậy, ngoài việc bổ sung quy định chỉ định người thực hiện trợ giúp pháp lý, Pháp lệnh này giữ nguyên quy định chỉ định luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên.
Song cũng có ý kiến đề nghị bỏ quy định chỉ định luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên mà Pháp lệnh số 09 đang quy định. Vì quy định này không phù hợp với quy định tại điểm c khoản 2 Điều 21 của Luật Luật sư "luật sư có nghĩa vụ tham gia tố tụng đầy đủ, kịp thời trong các vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu". Theo đó, luật sư chỉ tham gia tố tụng trong "các vụ án" mà không bao gồm các loại việc khác.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, đại diện cơ quan thẩm tra cho biết, nhiều quy định của Pháp lệnh 09 không còn phù hợp, cần được sửa đổi để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Ủy ban Tư pháp nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Pháp lệnh 09.
Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với Tòa án nhân dân tối cao và cho rằng, người chưa thành niên thuộc đối tượng yếu thế cần được pháp luật quan tâm, ưu tiên bảo vệ tại Tòa án. Việc chỉ định luật sư trong trường hợp người chưa thành niên không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đã được Pháp lệnh 09 quy định và thi hành ổn định 8 năm qua không có vướng mắc (Pháp lệnh số 01/2022/UBTVQH15 về "Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc" cũng quy định tương tự). Nếu không quy định việc chỉ định luật sư, quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể không được bảo vệ đầy đủ (nếu không thuộc diện trợ giúp pháp lý). Do đó, cần tiếp tục kế thừa quy định tại Pháp lệnh 09 về chỉ định luật sư trong trường hợp người chưa thành niên không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu quan điểm: Người chưa thành niên là đối tượng yếu thế được bảo vệ trong hệ thống pháp luật của nước ta. Trong quá trình xem xét, xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên, phải bảo đảm lợi ích tốt nhất cho đối tượng này. Bên cạnh đó, Luật Trẻ em cũng quy định trẻ em có quyền được bảo vệ trong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm hành chính, bảo đảm quyền được bào chữa và tự bào chữa; được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, được trợ giúp pháp lý. Do đó, ông Hoàng Thanh Tùng nhất trí với ý kiến đa số nêu trong Tờ trình và quan điểm đề xuất của Tòa án nhân dân tối cao.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao quá trình chuẩn bị và chất lượng dự án Pháp lệnh. Các cơ quan cơ bản thống nhất các nội dung và đủ điều kiện để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua tại phiên họp lần này.
Về quy định chỉ định luật sư tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ thống nhất cao với ý kiến của Tòa án và Ủy ban Tư pháp đề nghị cho giữ như Pháp lệnh năm 2014; đồng thời nhấn mạnh quy định này phù hợp với tập quán, thông lệ quốc tế về vấn đề đối với người chưa thành niên như Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Bộ quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu Liên hợp quốc về tư pháp người chưa thành niên.
Các đại biểu tán thành với dự thảo Pháp lệnh bổ sung một số quy định có tính chất thân thiện như: Nguyên tắc giải quyết vụ việc đối với người chưa thành niên phải bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm thủ tục thân thiện, phù hợp với tâm lý, giới, lứa tuổi, mức độ trưởng thành của người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc phải bảo đảm yêu cầu như: phải là người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm giải quyết các vụ việc liên quan đến người chưa thành niên hoặc có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người chưa thành niên.