Góp ý dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi): Hướng tới hiện đại hóa và phát triển bền vững

Ngày 25/2, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi)” nhằm tiếp thu ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi); từ đó, góp phần thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển giao thông vận tải đường sắt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững và đảm bảo an ninh quốc phòng.

Chú thích ảnh
Tiến sỹ Khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, đường sắt Việt Nam đã có lịch sử gần 145 năm, khởi đầu với tuyến Sài Gòn - Mỹ Tho, tuyến đường sắt đầu tiên của Đông Dương. Trong suốt quá trình phát triển, hệ thống đường sắt luôn giữ vai trò quan trọng trong xây dựng và bảo vệ đất nước. Hiện nay, mạng lưới đường sắt quốc gia có tổng chiều dài hơn 3.000 km với gần 300 nhà ga, đáp ứng nhu cầu vận tải và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế cũng như an ninh - quốc phòng.

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, ngành đường sắt đã có nhiều đổi mới, đặc biệt là việc đưa vào hoạt động các tuyến đường sắt đô thị hiện đại. Tuy nhiên, tuyến Bắc - Nam với khổ đường 1m cùng hệ thống thiết bị, công nghệ lạc hậu không còn phù hợp, gây hạn chế lớn trong khai thác và phát triển. Trước thực trạng này, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, mở ra bước chuyển mình quan trọng cho ngành đường sắt. Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị cũng đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhấn mạnh việc ứng dụng khoa học - công nghệ, tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt trong phát triển đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao. Đồng thời, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào hệ thống đường sắt, ưu tiên phát triển công nghiệp đường sắt, đẩy mạnh công tác đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị cũng là một nội dung quan trọng.

Đề xuất tập trung các quy định về ưu đãi cho đường sắt vào một mục riêng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng cần mở rộng sự tham gia của khu vực tư nhân trong và ngoài nước vào đầu tư phát triển hạ tầng và kinh doanh đường sắt. Về quản lý đất đai, Phó Giáo sư Chung đề xuất tham chiếu Luật Đất đai năm 2024 để đảm bảo tính thống nhất và linh hoạt khi có thay đổi pháp luật. Đối với kết nối hạ tầng, cần làm rõ trách nhiệm của các bên trong việc kết nối đường sắt với các loại hình giao thông khác cũng như với mạng lưới đường sắt quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Thị Vinh, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết của các quy định cụ thể về xử lý “lối đi tự mở” - một trong những nguyên nhân gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng tại khu vực đường sắt. Bà cũng đề xuất bổ sung các giải pháp và chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với hành vi này. Về hợp tác công tư (PPP), cần bổ sung các điều khoản về mô hình hợp tác, cơ chế đấu thầu minh bạch và quyền lợi của nhà đầu tư tư nhân nhằm thu hút nguồn vốn và kinh nghiệm quản lý từ khu vực tư nhân vào phát triển hạ tầng đường sắt. Đối với nội địa hóa công nghiệp đường sắt, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Thị Vinh đề xuất chính sách ưu tiên các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng, khuyến khích sản xuất nội địa các thiết bị như đầu máy, toa xe và đường ray, góp phần tăng cường năng lực sản xuất trong nước và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu. Ngoài ra, cần bổ sung quy định về chính sách bồi thường cho hành khách trong trường hợp tàu chậm hoặc hủy chuyến do lỗi của đơn vị vận hành, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ và bảo vệ quyền lợi của người sử dụng.

Tại Hội thảo, một số ý kiến cũng đề xuất bổ sung quy định đảm bảo an ninh và an toàn trong vận hành đường sắt tốc độ cao, bao gồm hệ thống phòng chống thảm họa và phân cấp quản lý thông tin vận hành; xem xét lại quy định về niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt.

Các đại biểu dự Hội thảo nhất trí cho rằng, việc sửa đổi Luật Đường sắt lần này không chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa, đồng bộ hóa hệ thống giao thông đường sắt mà còn tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển kết cấu hạ tầng, công nghiệp đường sắt và thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế. Đồng thời, dự án Luật sửa đổi sẽ tập trung vào việc ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường hợp tác quốc tế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hướng tới một ngành đường sắt phát triển bền vững và hội nhập mạnh mẽ với khu vực và thế giới.

Lý Thanh Hương (TTXVN)
Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị
Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị

Trong buổi làm việc với ông Narayan M. Vernekar - Giám đốc Ban Hạ tầng Công nghiệp nặng, Tập đoàn Larsen & Toubro (Ấn Độ), ngày 21/2, ông Dương Đức Tuấn Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 413km và phấn đấu hoàn thành vào năm 2035.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN