Ông Phạm Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, hội nghị được tổ chức nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, hội đồng tư vấn của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên trong việc tham gia góp ý, phản biện xã hội góp phần xây dựng, hoàn thiện, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và sự đồng thuận trong nhân dân đối với Luật Đất đai (sửa đổi).
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, góp ý 9 nội dung trọng tâm về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; hộ gia đình sử dụng đất.
Đại biểu Danh Ngọc Hùng, đại diện Hội đồng tư vấn dân tộc và tôn giáo tán thành dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) khẳng định đất đai là sở hữu toàn dân; thống nhất theo hướng bỏ đối tượng là hộ gia đình sử dụng đất vì hiện nay việc xác định các thành viên trong hộ gia đình còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Ông Danh Ngọc Hùng đánh giá cao quy định cụ thể về trách nhiệm của Nhà nước, quyền và nghĩa vụ của công dân với đất đai; đổi mới nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hoàn thiện các quy định về giao, cho thuê, chuyển đổi mục đích sử dụng đất…
Đại biểu Đỗ Trần Thịnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang cho rằng, quy định về thu hồi theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để tạo quỹ đất cần phải được nghiên cứu, đánh giá thận trọng, khách quan. Dự thảo cần đề ra nguyên tắc, tiêu chí rõ ràng khi triển khai các dự án đầu tư phát triển quỹ đất bằng vốn ngân sách, nếu không có bộ tiêu chí rõ ràng sẽ dễ dẫn đến lạm quyền, thu hồi đất tràn lan, xâm phạm quyền lợi của người sử dụng đất, quyền tài sản được Hiến pháp, pháp luật bảo vệ. Việc triển khai tràn lan các dự án phát triển quỹ đất dưới hình thức đầu tư công luôn tiềm ẩn nguy cơ thất thoát, lãng phí, chậm tiến độ. Do vậy, việc sửa đổi Luật Đất đai cần gắn với sửa đổi đồng bộ các luật có liên quan, tạo khung pháp lý cho triển khai.
Với quy định việc thu hồi đất các công trình để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, trong đó có trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại, đại biểu Lâm Nghĩa Sỹ, đại diện Hội đồng Tư vấn kinh tế - xã hội, đề nghị phải làm rõ định nghĩa công trình vì lợi ích quốc gia, công cộng là như thế nào, tránh trường hợp lợi dụng để làm lợi cho một công ty, doanh nghiệp, cá nhân.
Đối với việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, dự thảo luật nêu: “Bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị phải làm rõ khái niệm “bằng hoặc tốt hơn” trong quy định để khi Luật ban hành được thực hiện nghiêm. Đồng thời, đại biểu góp ý các quy định trong dự thảo luật phải cụ thể hơn, tránh các trường hợp khi luật ban hành, rồi các nghị định, thông tư được ban hành kèm theo lại trái với quy định luật. Khi Nhà nước lập quy hoạch, công bố quy hoạch, giá đất bồi hoàn cho người dân phải đảm bảo phù hợp…