Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Nhiều ý kiến đề xuất từ đại diện các tôn giáo

Công tác lấy ý kiến nhân dân góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được chính quyền cùng các ban, ngành, đoàn thể tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thực hiện nghiêm túc.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ngày 9/3/2023, tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN

 Một trong những nội dung được nhiều người quan tâm là dự thảo Luật cần bổ sung cơ sở pháp lý cụ thể để xét duyệt, giải quyết các nhu cầu chính đáng và hợp pháp của các tôn giáo đối với việc cấp, giao đất phục vụ cho nhu cầu tôn giáo như thờ tự, đào tạo… một cách khách quan, công bằng và minh bạch.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Hữu Nghị, nguyên nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nhà nước và Pháp luật cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đưa ra nhiều quy định mới về đất tôn giáo so với Luật Đất đai 2013. Trong đó, quan trọng nhất là thay đổi trong quy định về phân loại đất tôn giáo, tín ngưỡng. Cụ thể, đất tôn giáo, tín ngưỡng trong dự thảo Luật vẫn được xếp vào nhóm đất phi nông nghiệp như Luật Đất đai 2013, tuy nhiên dự thảo đưa ra định nghĩa rộng hơn về đất tôn giáo là “đất sử dụng cho mục đích tôn giáo, tín ngưỡng” (Điều 10 dự thảo), trong khi Luật Đất đai 2013 chỉ quy định đất tôn giáo là “đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng” (Điều 10, Luật Đất đai 2013). Như vậy, tất cả các phần đất được sử dụng cho mục đích tôn giáo đều được xếp là đất phi nông nghiệp và là đất tôn giáo, không bị giới hạn bởi đất cơ sở tôn giáo.

Ông Phạm Hữu Nghị nhận định, những thay đổi trong các quy định trên phản ánh đúng bản chất của đất cho mục đích tôn giáo và đảm bảo được tính minh bạch, rõ ràng trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của các dự án tôn giáo thuộc trường hợp dự án do Nhà nước thu hồi. Từ đó tránh được hiện trạng khó khăn trong giám sát và kiểm soát việc mua bán đất tự phát cho công trình, dự án tôn giáo trên thị trường thời gian qua. Tuy nhiên, hiện nay số người tham gia các tôn giáo ngày càng tăng dẫn đến nhu cầu về cơ sở thờ tự lớn. Trong khi đó, nhiều địa phương không còn quỹ đất dành cho tôn giáo hoặc chưa có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tôn giáo để bố trí giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo xây dựng cơ sở thờ tự. Việc quy hoạch tổng thể về sử dụng đất tôn giáo cũng chưa được cơ quan chức năng hướng dẫn và quan tâm đúng mức. Vì vậy, mỗi khi tổ chức tôn giáo có nhu cầu xin cấp đất để xây dựng cơ sở thờ tự, chính quyền địa phương rất lúng túng, bị động trong giải quyết.

Trên cơ sở đó, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Hữu Nghị đề xuất, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần bổ sung quy định về điều kiện quy hoạch đất tôn giáo theo quy định khi lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất “có chỉ tiêu sử dụng đất của loại đất cơ sở tôn giáo” chứ không bắt buộc đất phải “có sẵn hiện trạng là đất cơ sở tôn giáo” thì mới được quy hoạch. Nếu căn cứ trên nhu cầu thực tế về hoạt động tôn giáo và khả năng quỹ đất của địa phương để quyết định diện tích đất giao cho tổ chức tôn giáo thì cụm từ “căn cứ nhu cầu thực tế” trong dự thảo Luật còn mang tính chung chung, khó để chính quyền cấp tỉnh xác định tiêu chí cấp đất cho có tổ chức tôn giáo một cách chính xác, khách quan. Việc này dẫn đến tình trạng có tổ chức tôn giáo được cấp đất dễ dàng nhưng cũng có tổ chức khác gặp khó khăn. Theo ông Phạm Hữu Nghị, nội dung này cần diễn đạt thành: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng tiêu chí cụ thể về tổ chức và hoạt động của tổ chức tôn giáo và khả năng quỹ đất của địa phương để quyết định diện tích đất giao cho tổ chức tôn giáo”.

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo cũng là một vấn đề được nhiều chức sắc, chức việc quan tâm vì thực tế hiện nay vẫn còn khá nhiều cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không thể xây dựng mới, sửa chữa, dẫn đến khó khăn trong sinh hoạt tôn giáo.

Mục sư Trần Thanh Truyện, Hội trưởng Giáo hội Cơ đốc Phục Lâm Việt Nam cho biết, gần đây, khi Giáo hội có nhu cầu xây thêm nhà thờ thì được yêu cầu xuất trình giấy chứng nhận chủ quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, gần 50 năm qua, Giáo hội chưa được Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cấp giấy này dù hoạt động ổn định, không có tranh chấp. Hiện Giáo hội chỉ còn giấy chứng nhận do chế độ cũ cấp, rất khó khăn mỗi khi cần làm thủ tục về đất đai.

Tương tự, giáo hữu Thượng Cung Thanh, Trưởng ban đại diện Hội thánh Cao Đài Tiên Thiên tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, cơ sở Hội ở số 22 đường Nguyễn Khoái (phường 2, Quận 4) đã 90 năm và chưa từng xảy ra tranh chấp. Sau năm 1975 xảy ra tình trạng lấn chiếm đất; vì vậy, Hội tiến hành thủ tục, hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, qua nhiều thời kỳ lãnh đạo, đến nay vẫn chưa được trả lời cụ thể. Hiện một phần đất của trụ sở Hội phải dùng tấm bạt che kín thánh điện vì không thể sửa chữa do không có giấy tờ.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh Trần Văn Bảy cho biết, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo là một chuỗi quy trình phức tạp có sự tham gia của nhiều cơ quan về trình tự thủ tục. Trong đó, một số quận, huyện còn chậm phản hồi, phải nhắc nhiều lần mới gửi danh sách cơ sở tôn giáo cần cấp giấy chứng nhận dù Sở đã ban hành kế hoạch gửi quận, huyện để thống kê, rà soát, gửi về để tổng hợp. Bên cạnh đó, trong nhiều trường hợp, việc chưa thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cơ sở tôn giáo là do một số cơ sở có diện tích nằm trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; do chưa xác định rõ được ranh giới đất hoặc do có sự tranh chấp với nhân dân địa phương… Ngoài ra, Luật Đất đai hiện hành quy định các cơ sở tôn giáo sở hữu đất trước ngày 1/7/2004 được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất tôn giáo. Do đó, nhiều cơ sở tôn giáo có quỹ đất hoặc mở rộng diện tích sau ngày này nên việc đề xuất cấp giấy chứng nhận chưa được công nhận, gây khó khăn cho việc xây dựng, sửa chữa.

Ông Trần Văn Bảy đề xuất, dự thảo Luật bổ sung quy định yêu cầu các các sở, ngành chức năng ở địa phương nghiêm túc phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố thực hiện rà soát tình hình, phân loại và hoàn chỉnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tôn giáo; tổ chức khảo sát, thống kê về tình trạng đất đai, cơ sở thờ tự liên quan đến tôn giáo ở địa phương. Từ đó, phân loại, đánh giá về nguồn gốc đất đai, giấy tờ có liên quan, quá trình sử dụng, hiệu quả sử dụng, nhu cầu của tôn giáo, phương án giải quyết và chủ động đề xuất Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố xem xét, giải quyết phù hợp.

Về đất tín ngưỡng, theo Thượng tọa Thích Thiện Quý, Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Điều 204 của dự thảo quy định về đất tín ngưỡng là “đất có công trình đình, đền, miếu, am, đất rừng tín ngưỡng”. Trong khi đó, đất tín ngưỡng theo Luật Đất đai năm 2013 bao gồm cả đất có “từ đường, nhà thờ họ” và không có “đất rừng tín ngưỡng”.

Thượng tọa Thích Thiện Quý cho rằng, việc dự thảo Luật bỏ “từ đường, nhà thờ họ” là không hợp lý và không tương thích với quy định tại Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Bởi vì nhà thờ dòng họ được xem là cơ sở tín ngưỡng theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016. Trong khi đó, thuật ngữ “đất rừng tín ngưỡng” còn rất mơ hồ, chưa có quy định, định nghĩa rõ ràng tại Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Bản thân dự thảo Luật Đất đai cũng không giải thích cụ thể thế nào là “đất rừng tín ngưỡng”.

Ông Thích Thiện Quý đề xuất, dự thảo Luật nên giữ nguyên quy định đất tín ngưỡng bao gồm cả đất từ đường, nhà thờ họ như Luật Đất đai hiện hành. Tuy nhiên, dự thảo Luật cần làm rõ đất có tượng đài, bia…, ví dụ như người dân xây dựng tượng một vị tướng trên một mảnh đất lớn thì có được xét là đất tín ngưỡng hay không.

Theo ông Trần Tấn Hùng, nguyên Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, hiện ở nhiều địa phương có tình trạng trên cùng một vị trí đất, tổ chức tôn giáo vừa sử dụng để xây chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, trụ sở của tổ chức tôn giáo vừa xây khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng để kinh doanh. Hiện dự thảo Luật chưa phân định rõ cách giải quyết cho những trường hợp này.

Ông Trần Tấn Hùng đề xuất, dự thảo Luật cần chỉ rõ các mục đích thuê, sử dụng đất của tổ chức tôn giáo theo ba nhóm: vì mục đích tôn giáo (thờ tự, hành lễ), vì mục đích liên quan đến các hoạt động tôn giáo (thiện nguyện, giáo dục) và vì mục đích kinh doanh. Căn cứ theo từng trường hợp sẽ yêu cầu tổ chức tôn giáo trả tiền thuê cho Nhà nước cho phần đất được sử dụng cho mục đích ngoài tôn giáo; tránh việc lợi dụng chính sách để “ôm“ đất, “đầu cơ” đất. Ngoài ra, dự thảo Luật cần hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trong các luật chuyên ngành khác (khi sửa đổi) như: Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Di sản, Luật Du lịch và các luật chuyên ngành khác để đồng bộ với Luật Đất đai và tạo hành lang pháp lý trong việc quản lý các hoạt động tôn giáo.

Hồng Giang (TTXVN)
Báo chí ưu tiên thời lượng, khung giờ vàng phổ biến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Báo chí ưu tiên thời lượng, khung giờ vàng phổ biến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Ngày 9/3, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 1470/VPCP-PL truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN