Lễ tang Giáo sư, Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu được tổ chức theo nghi thức Lễ tang Cấp cao. Lễ viếng vào hồi 13 giờ 45 phút đến 14 giờ 45 phút, thứ Sáu, ngày 28/1/2022 (tức ngày 26 tháng Chạp năm Tân Sửu), tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Lễ truy điệu vào hồi 14 giờ 45 phút đến 15 giờ. Lễ an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch, quận Cầu Giấy cùng ngày.
Bày tỏ sự tiếc thương đối với Giáo sư, Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Liêm, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã có bài viết về cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp trong lĩnh vực khoa học công nghệ cho đất nước. Sau đây là nội dung bài viết:
"Giáo sư, Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu là một nhà vật lý kiệt xuất đẳng cấp quốc tế, là người đi tiên phong, khai mở nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ cao cho đất nước, đồng thời là một nhà tổ chức, quản lý và lãnh đạo khoa học tài ba, là người thầy đã đào tạo và truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ cán bộ khoa học công nghệ, người đã xây dựng và thúc đẩy mạnh mẽ nhiều kênh hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ… Thật hiếm có một người hội tụ được nhiều tố chất tốt và năng lực siêu việt như vậy!
Ở cương vị nào Giáo sư, Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu cũng đều đạt được đỉnh cao và có sức mạnh lan tỏa năng lượng tích cực cho cộng đồng. Ông đã từ giã chúng ta sau hơn nửa thế kỷ miệt mài cống hiến cho sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ, thúc đẩy khoa học công nghệ có đóng góp thiết thực cho sự phát triển của đất nước. Giáo sư, Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu ra đi là một tổn thất vô cùng to lớn của nền khoa học và công nghệ Việt Nam nói chung và của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nói riêng, nơi ông đã làm việc và cống hiến từ năm 1969 đến nay.
Giáo sư, Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu sinh năm 1938 tại Hà Đông, Hà Nội. Năm 1956, ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Khoa học Hà Nội. Từ năm 1956 -1960, sau khi tốt nghiệp cử nhân Vật lý loại xuất sắc, ông được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tháng 10/1960, ông được cử đi đào tạo tại Liên Xô.
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, thông minh và cần cù, miệt mài, được học tập và làm việc trong môi trường khoa học tiên tiến, với những người thầy, đồng nghiệp là những nhà vật lý danh tiếng như Viện sỹ Bogoliubov... của Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Dubna, ông đã nhanh chóng đạt được học vị Tiến sỹ (1963) và Tiến sỹ khoa học Toán-Lý (1964), trở thành Giáo sư Vật lý của Trường Đại học Tổng hợp Lomonosov danh tiếng từ năm 1968, khi mới 30 tuổi.
Thành tích nghiên cứu khoa học của ông đã được Nhà nước Liên Xô ghi nhận bằng sự kiện trao tặng Giải thưởng Lê-nin về Khoa học và Kỹ thuật năm 1986, được Nhà nước Việt Nam tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Kỹ thuật năm 1996 và nhiều giải thưởng khác.
Năm 1982, ông được bầu là Viện sỹ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô; năm 1984 là viện sỹ Viện Hàn lâm Khoa học Đức và Viện sỹ Viện Hàn lâm khoa học thế giới thứ ba, là Chủ tịch Trung tâm Vật lý lý thuyết châu Á-Thái Bình Dương (APCTP, nhiệm kỳ 1996-2010).
Cùng với vai trò là nhà khoa học và đào tạo đỉnh cao, ông đã được Đảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách quản lý và lãnh đạo khác nhau. Năm 1969, ông được giao thành lập Viện Vật lý, trở thành Viện trưởng sáng lập Viện Vật lý cho đến năm 1975. Từ năm 1983, ông là Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam cho đến năm 1993, là Giám đốc Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia đến 1994, là người kế nhiệm xuất sắc của Viện trưởng sáng lập Viện Khoa học Việt Nam – Viện sỹ, anh hùng Trần Đại Nghĩa.
Ông đã chủ trì xây dựng đề án thành lập và là người sáng lập nhiều cơ sở nghiên cứu, đào tạo, xuất bản khác trong nước như Viện Khoa học vật liệu (tháng 6/1993) trực thuộc Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội; tạp chí quốc tế Advances in Natural Sciences: Nanoscience and nanotechnology, Trường Đại học Công nghệ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội... Ở cương vị này, ông đã thể hiện là người có tư duy bao quát, có tầm nhìn xa mang tính chiến lược, luôn quan tâm tới nghiên cứu khoa học cơ bản để làm nền tảng cho phát triển công nghệ, với ví dụ điển hình là đã phát động và cổ vũ, tổ chức triển khai thành công các Chương trình nghiên cứu Vật liệu nano (khởi đầu từ năm 1997) và Chương trình Phát triển Vật lý (năm 2015); luôn định hướng các nghiên cứu phát triển công nghệ cao phục vụ cho những ứng dụng thực tế, đáp ứng nhu cầu thiết thực của đất nước, với ví dụ điển hình là công trình thoát lũ ra biển Tây cho Đồng bằng sông Cửu Long, tạo được vùng trồng lúa phì nhiêu mà trước đó là nơi chứa phèn.
Với uy tín và tầm ảnh hưởng của mình, ông được nhiều nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ tham vấn và ông đã tư vấn thành công cho nhiều chính sách quan trọng liên quan tới sự phát triển của đất nước. Ông là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam với 53 năm tuổi Đảng, là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa V, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI, VII, và VIII; Đại biểu quốc hội các khóa IV, V, VII, VIII, IX và X. Ông đã được tặng thưởng nhiều Huân chương vì những thành tích đóng góp cho sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ và đào tạo: Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước Hạng II, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, danh hiệu Nhà giáo Nhân dân...
Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu đã ra đi, nhưng những dấu ấn tốt đẹp, sự truyền cảm hứng tích cực của ông ở các lĩnh vực hoạt động khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, quản lý lãnh đạo vẫn hiển hiện rõ ràng. Tên tuổi của ông đã trở thành thành huyền thoại, thành niềm kiêu hãnh và là tấm gương sáng đẹp cho giới trí thức khoa học công nghệ Việt Nam.
Giáo sư, Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa V; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI, VII và VIII; Đại biểu Quốc hội các khóa IV, V, VII, VIII, IX và X; Viện sỹ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô; Viện sỹ Viện Hàn lâm Khoa học thế giới thứ 3.
Trong quá trình công tác, Giáo sư, Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu đã giữ các chức vụ: Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam); Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch Hội đồng Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ quốc gia; Ủy viên Ủy ban Khoa học và Công nghệ nhà nước; Viện trưởng Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nghiên cứu Vũ trụ Việt Nam; Chủ nhiệm Khoa Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội; Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội; Tổng Biên tập Tạp chí Advances in Natural Sciences: Nanoscience and Nanotechnology; Phó Tổng Biên tập Tạp chí hạt Cafi và Hạt nhân, Liên Xô; Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Vật lý lý thuyết Châu Á - Thái Bình Dương.
Giáo sư, Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu đã được tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Nhất; - Giải thưởng Lênin; Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước Hạng II; Huân chương Hữu nghị của Xô Viết tối cao; Giải thưởng Khoa học của Viện Dubna; Nhà giáo Nhân dân".