Người dân đang bị thiếu thông tin về pháp luật, nên đã vô tình vi phạm luật pháp, khi đó họ thấy mình bị oan uổng và dẫn tới bất bình, bức xúc... Xung quanh những vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã trả lời trong chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời” trên Đài Truyền hình Việt Nam, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, TTXVN và một số cơ quan truyền thông khác.
Không bất ngờ
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, ngay những ngày đầu thực hiện Nghị định số 71 năm 2012 của Chính phủ; sửa đổi, bổ sung Nghị định 34 năm 2010 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, nhiều người dân và đại biểu Quốc hội tỏ ra bất ngờ và bất bình. Tuy nhiên theo Bộ trưởng, đây không phải là quy định mới, nên không có sự bất ngờ, vì trong Nghị định 34 cũng đã quy định rõ việc xử phạt khi không chuyển quyền sở hữu ô tô và môtô. Tuy nhiên, trong Nghị định 34 thì mức xử phạt thấp, còn theo Nghị định 71, mức xử phạt tăng lên từ 5 - 8 lần (800.000 đồng - 1,2 triệu đồng đối với mô tô, từ 6 - 10 triệu đồng đối với ô tô). Bộ trưởng khẳng định, sự bất ngờ là do mức xử phạt cao, chứ không phải là một quy định mới.
Bộ trưởng cũng thừa nhận, khi Nghị định ban hành đã không hướng dẫn đầy đủ, nên người dân bị bất ngờ. Theo Bộ trưởng, công tác phổ biến giáo dục pháp luật rất quan trọng. Việc xây dựng chính sách, luật pháp mất rất nhiều thời gian, việc thể chế hóa nó cũng mất nhiều công sức, nhưng đầu tư để thực thi pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật lại chưa thỏa đáng.
Quyền thông tin về pháp luật
Bộ trưởng Tư pháp cho biết, tháng 6/2012, Quốc hội đã thông qua Luật Phổ biến giáo dục pháp luật và có hiệu lực từ 1/1/2013. “Đây là luật chỉ có duy nhất ở Việt Nam, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc tăng cường, thúc đẩy ý thức thi hành pháp luật của mọi người dân trong xã hội có sự chuyển biến cơ bản”, Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng thông tin thêm, người dân có quyền được thông tin về pháp luật, đồng thời luật cũng quy định rõ, cả hệ thống chính trị tạo điều kiện hỗ trợ người dân thực hiện quyền được thông tin về pháp luật, trong đó nòng cốt là Nhà nước, các đoàn thể chính trị xã hội. Luật cũng quy định Nhà nước có trách nhiệm quản lý nhà nước về phổ biến giáo dục pháp luật và giao cho Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thực hiện. “Với trách nhiệm của mình, Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Chính phủ thực hiện đồng bộ các giải pháp để đưa Luật Phổ biến giáo dục pháp luật vào cuộc sống, để người dân tiếp cận được các quyền công dân của mình. Chính phủ cũng đã ban hành nghị định và quyết định quy định thành phần, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật từ Trung ương đến cấp huyện để thực hiện Luật Phổ biến giáo dục pháp luật. Bộ Tài chính và Tư pháp ban hành thông tư liên tịch để bảo đảm việc thực hiện luật cũng như quyền tiếp cận thông tin pháp luật của người dân”, Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, theo hướng dẫn của Chính phủ, thành phần của Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật rất rộng rãi, đảm bảo đủ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đoàn thể có liên quan để cùng chung sức phổ biến giáo dục pháp luật. Đối với cấp xã là cấp thực thi pháp luật, nên không tổ chức hội đồng mà chỉ có sự chỉ đạo của Hội đồng từ Trung ương đến cấp huyện. Cấp huyện có trách nhiệm hướng dẫn cấp xã thực hiện. “Hội đồng có trách nhiệm tư vấn cho chính quyền cấp đó, chứ không có phải là cơ quan thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật”, Bộ trưởng khẳng định.
“Bộ Tư pháp đã tham khảo ý kiến các bộ, ngành liên quan và Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật đồng ý lấy ngày 9/11/2013 là Ngày Pháp luật đầu tiên của Việt Nam. Bộ cũng xây dựng dự thảo hướng dẫn cho Ngày Pháp luật để tổ chức thực hiện Luật Phổ biến giáo dục pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, người dân được hưởng quyền tiếp cận pháp luật”, Bộ trưởng cho biết, “Luật quy định đảm bảo cho người dân được thông tin về pháp luật, tuy nhiên luật cũng quy định người dân có trách nhiệm tự nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, đặc biệt là trách nhiệm của mỗi gia đình, mỗi thế hệ phải gương mẫu, tạo điều kiện để cháu con có ý thức chấp hành pháp luật từ khi còn nhỏ”.
Với trách nhiệm của mình, thời gian qua Bộ Tư pháp cùng với các bộ, ngành khác đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành 7 đề án phổ biến giáo dục pháp luật đến năm 2016. Hàng tháng Bộ Tư pháp ra thông cáo báo chí về các văn bản quy phạm pháp luật mà Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng đó. |
Trọng Thủy