Giám sát việc thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo tại Hà Giang

Chiều 17/9, Đoàn giám sát do ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Hà Giang về việc triển khai thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực biên giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2021.

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh cho biết: Tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo đồng bộ và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính theo Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhận được sự đồng thuận cao của người dân, xã hội, góp phần thực hiện nhiệm vụ tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Bên cạnh đó, tỉnh đã đầu tư xây dựng hai Khu Kinh tế - quốc phòng trên địa bàn, thực hiện các mục tiêu về chính trị, quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế, tổ chức sản xuất, hỗ trợ người dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng kết hợp với tổ chức, bố trí lại dân cư trên tuyến biên giới, phát huy tốt vai trò và chức trách, nhiệm vụ xây dựng khu kinh tế - quốc phòng được cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương tin tưởng, ghi nhận, đánh giá cao.

Đồng thời, việc thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực biên giới, vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới nói riêng và kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh khá, bình quân giai đoạn 2016 - 2021 đạt 5,62%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng…

Là một tỉnh đặc biệt khó khăn của cả nước nhưng đến năm 2021, Hà Giang đã hoàn thành và công nhận được 47 xã đạt chuẩn Quốc gia về nông thôn mới, chiếm 26,9% tổng số xã. Nhờ được tiếp cận với nguồn vốn, đồng bào biên giới, dân tộc thiểu số yên tâm phát triển sản xuất, xóa bỏ dần tình trạng du canh, du cư, từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Có thể nói, các chính sách đã có tác động to lớn đến các mặt của đời sống xã hội, làm thay đổi diện mạo nông thôn, vùng dân tộc. Đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng biên giới từng bước được cải thiện, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ngoài tác động đến kinh tế - xã hội, các chính sách còn góp phần giữ vững an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Công tác nắm tình hình, tuyên truyền nhân dân nâng cao cảnh giác đối với các hoạt động tôn giáo trái pháp luật được thực hiện tốt, kịp thời ngăn chặn không để các đạo lạ, tà đạo thâm nhập vào bản địa, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch…

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ nhưng việc triển khai các chương trình, chính sách cũng còn một số hạn chế như kinh tế dù đạt mức tăng trưởng khá nhưng quy mô còn nhỏ so với cả nước, đặc biệt là phát triển kinh tế tại các huyện, xã, thôn biên giới còn nhiều khó khăn. Công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững. Cơ sở hạ tầng thiết yếu khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, cấp nước sinh hoạt…

Để việc triển khai các chương trình, chính sách thiết thực và đạt hiệu quả cao hơn nữa, tỉnh Hà Giang kiến nghị Trung ương ưu tiên hỗ trợ nguồn lực cho tỉnh để đầu tư các tuyến đường cao tốc, kết nối Hà Giang với các tỉnh trong khu vực; ưu tiên hỗ trợ nguồn lực để triển khai Đề án đầu tư xây dựng Hồ dự trữ nước quy mô dung tích lớn. Trung ương ban hành chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hệ thống công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt nông thôn cho các xã biên giới.

Bên cạnh đó, tỉnh Hà Giang cũng đề nghị Trung ương nghiên cứu bổ sung một số chính sách mới mang tính đặc thù đối với các huyện nghèo thuộc khu vực biên giới, có tính tới yếu tố an ninh quốc gia, có chính sách phát triển rừng đủ mạnh để tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân 4 huyện vùng cao nguyên đá biên giới phát triển và bảo vệ rừng. Ngoài ra, cần có chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông lâm nghiệp, dược liệu, du lịch, dịch vụ có khả năng tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn, giúp các huyện nghèo chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Hà Giang đã làm được. Việc thực hiện chính sách giảm nghèo gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng đạt được kết quả khả quan. Đồng thời, một số xã đạt chuẩn nông thôn mới, các chỉ số văn hóa, giáo dục, thông tin, đời sống kinh tế tăng, thu nhập của người dân được cải thiện. Những kết quả này thể hiện sự nỗ lực rất lớn của tỉnh.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Lâm Thành cho rằng, thu nhập người dân còn thấp, công tác đào tạo nghề, giáo dục… đã đạt được một số kết quả nhưng chưa ổn định. Đối với các xã biên giới, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị tỉnh nghiên cứu các phương án, chính sách đặc thù để các xã có thêm nguồn lực giải quyết những vấn đề giao thông, nước sinh hoạt, thủy lợi, thông tin… Đối với sản xuất nông nghiệp, tỉnh nên chọn những sản phẩm phù hợp, có những chính sách cho doanh nghiệp để thuận lợi trong việc kết nối, tiêu thụ; đồng thời chú ý đến công tác đào tạo nghề, tăng cường quản lý lao động ngoại tỉnh.

Trước đó, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc đã đi khảo sát thực tế tại một số thôn, bản khu vực biên giới hai huyện Yên Minh và Quản Bạ.

Tin, ảnh: Nam Thái (TTXVN)
Quảng Ngãi: Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững
Quảng Ngãi: Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững

Ngày 17/9, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2022 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN