Sau 20 năm hoạt động, tổng nguồn vốn chính sách trên địa bàn tỉnh miền núi Sơn La đạt trên 5.400 tỷ đồng, tăng 5.277 tỷ đồng so với thời điểm bắt đầu hoạt động, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 26,38%.
Kết quả đó khẳng định sự nỗ lực của NHCSXH Sơn La trong việc triển khai nhiều giải pháp phù hợp để huy động nguồn vốn từ nhiều kênh, từ các đối tượng với nhiều hình thức, đã đáp ứng nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống của hầu hết người nghèo và các đối tượng chính sách.
Kết quả đó cũng khẳng định cấp ủy đảng, chính quyền các cấp ở Sơn La đã quán triệt sâu sắc nội dung Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, chỉ đạo quyết liệt việc chuyển giao các nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước về một đầu mối sử dụng thống nhất quản lý, sử dụng theo quy định, đồng thời cân đối bổ sung ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để tăng thêm nguồn lực cho hộ đối tượng chính sách vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao cuộc sống. Hiện tại, tổng nguồn vốn ngân sách của địa phương đạt 172.136 triệu đồng, tăng 100.048 triệu đồng so với năm 2014, thời điểm thực hiện Chỉ thị 40/CT/TW.
Nhờ nguồn vốn tăng trưởng, NHCSXH Sơn La có thêm năng lực hoạt động, người nghèo và các đối tượng chính sách vùng cao biên giới có điều kiện chủ động, kịp thời hơn để đầu tư sản xuất, kinh doanh.00
Toàn bộ nguồn vốn chính sách do Trung ương chuyển về, địa phương ủy thác sang được những cán bộ tín dụng ở 11 phòng giao dịch cấp huyện, không quản ngại khó khăn, bền bỉ, khẩn trương chuyển về đúng đối tượng thụ hưởng thông qua 204 Điểm giao dịch tại xã với 3.847 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) ở khắp thôn bản, khối phố.
Từ rẻo cao Sốp Cộp, Bắc Yên, Mường La, đến thảo nguyên xanh Mộc Châu, Mai Sơn, Phù Yên ở Sơn La, người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, có điều kiện đều được tiếp cận tới nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ. Không hộ nghèo và gia đình đồng bào nào bị lãng quên. Đơn cử gia đình anh Mùa A Lử, người Mông ngụ bản Mới, xã Hồng Ngải, nhờ vay vốn ưu đãi của NHCSXH huyện Bắc Yên đã trồng được 3 ha sắn, ngô lai, nuôi béo 12 con bò, thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.
Còn tại bản Suối Cốc, xã Mường Lơi, huyện Phù Yên, có chị Triệu Thị Tính, dân tộc Dao, vốn thuộc diện hộ nghèo. Trong 7 năm qua, chị Tính có 2 lần vay hơn 100 triệu đồng vốn ưu đãi, làm được chuồng trại chắc chắn để chăn nuôi bò sinh sản kết hợp với khai hoang cải tạo đất đồi thành vườn cây trồng bưởi, xoài, chanh leo. Từ sản xuất phát triển, kinh tế gia đình khá giả, chị đã tự nguyện làm đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. “Đồng bào dân tộc mình trước kia khổ nhọc, thiếu thốn lắm, chỉ biết sống dựa vào rừng thôi. Từ ngày được NHCSXH cho vay vốn dễ dàng và chính quyền xã động viên, mọi nhà, mọi người phấn khởi bảo nhau cách trồng cây ăn quả, chăn nuôi nhiều gia súc, gia cầm, nên cuộc sống no đủ hơn”, chị Tính tâm sự.
Chặng đường 20 năm ròng rã, NHCSXH đã trọn vẹn với công cuộc giảm nghèo, bảo đảm an ninh xã hội ở miền núi cao biên giới Sơn La. Dòng vốn ưu đãi được khơi thông, chảy đều đặn đến mọi nơi, trong mọi lúc, giúp dân phát triển sản xuất, ổn định sản xuất, hỗ trợ kịp thời nhiều doanh nghiệp khôi phục, phát triển kinh tế, khắc phục hậu quả do thiên tai, dịch bệnh gây ra theo các Nghị quyết, quyết định của Đảng, Nhà nước ban hành.
Thời gian tới, NHCSXH Sơn La tiếp tục hoạt động theo Nghị định 78 của Chính phủ về thực hiện tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, triển khai sâu rộng Chỉ thị 40 và Kết luận 06 của Ban Bí thư về tín dụng chính sách xã hội, tập trung huy động nguồn vốn, kịp thời chuyển tải nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, phấn đấu đầu tư đạt hiệu quả cao trong phát triển kinh tế, chương trình giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội bền vững ở một tỉnh miền núi biên giới.