Giám sát tình hình oan sai trong xét xử

Ngày 19/3, tại Hà Nội, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật” đã làm việc với các bộ, ngành liên quan. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Trưởng đoàn giám sát chủ trì cuộc làm việc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ công tác xét xử, tránh xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm là mục tiêu của ngành tư pháp cần hướng tới trong thời gian tới nhằm bảo đảm quyền con người, quyền của công dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các bộ, ngành cần tập trung làm tốt công tác đào tạo, đào tạo lại, tập huấn bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện điều tra, xét xử. Những vụ án bị cáo kêu oan phải kịp thời xem xét thận trọng, kỹ càng, bảo đảm không để xảy ra oan sai nhưng cũng không để lọt tội phạm.

Trong những năm qua, công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án tại tòa án các cấp có chuyển biến tích cực; chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án được bảo đảm. Ảnh: TTXVN


Đối với việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật, các bộ, ngành cần xây dựng cơ chế phối hợp thực hiện triển khai các hoạt động trong công tác giải quyết bồi thường; xác định rõ trách nhiệm cụ thể của mỗi cơ quan trong trường hợp có nhiều ngành liên quan...

Theo báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, trong những năm qua, công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án tại tòa án các cấp có chuyển biến tích cực; chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án được bảo đảm. Tỷ lệ các bản án, quyết định hình sự bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của tòa án trong thời gian qua luôn ở mức thấp và giảm so với năm trước. Việc xét xử cơ bản bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp kết án oan người không có tội.

Kết quả, trong 3 năm (2012 – 2014), tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý 205.758 vụ án với 374.226 bị cáo theo thủ tục sơ thẩm; đã giải quyết được 204.535 vụ với 371.152 bị cáo, trong đó, đưa ra xét xử 196.890 vụ với 352.781 bị cáo. Tòa án đã thụ lý theo thủ tục phúc thẩm là 45.680 vụ, với 69.607 bị cáo; đã giải quyết được 44.817 vụ án, với 67.863 bị cáo. Đối với việc giải quyết yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự, trong số 19 đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại thuộc thẩm quyền giải quyết, tòa án các cấp đã giải quyết 13 đơn với tổng số tiền bồi thường là gần 1,7 tỷ đồng; 6 đơn còn lại đang trong quá trình giải quyết. Việc thương lượng về mức bồi thường, tổ chức xin lỗi công khai người được bồi thường được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định của pháp luật.

Tại cuộc làm việc, các thành viên đoàn giám sát ghi nhận nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự để giải quyết, xét xử các vụ án và bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đoàn giám sát đề nghị các bộ, ngành hữu quan tập trung phân tích nguyên nhân để xảy ra sai sót trong một số vụ án cụ thể; chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc về việc bồi thường cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự...

Đoàn giám sát làm việc đến ngày 20/3.


Quỳnh Hoa (TTXVN)
Xảy ra án oan sai, Tòa phải chịu trách nhiệm
Xảy ra án oan sai, Tòa phải chịu trách nhiệm

Đây là khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khi chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) Trương Hòa Bình, tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN