Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân bao gồm: giám sát của Hội đồng nhân dân tại kỳ họp, giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban, Tổ đại biểu và các đại biểu Hội đồng nhân dân.
Các kỳ họp Hội đồng nhân dân trực tiếp giám sát hoạt động chấp hành pháp luật của các cơ quan tư pháp thông qua hoạt động chất vấn Giám đốc Công an, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố về những nội dung nổi cộm, bức xúc mà người dân đang quan tâm, chú ý. Để tạo thuận lợi cho đông đảo người dân theo dõi, hầu hết phần chất vấn tại các kỳ họp đều được truyền hình trực tiếp.
Tại Hà Nội, Hội đồng nhân dân thành phố đặc biệt chú trọng trong việc tiếp nhận đơn, thư của công dân, chuyển các ý kiến, kiến nghị của công dân đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Qua giám sát, đôn đốc xử lý đơn thư của Hội đồng nhân dân, các ý kiến cử tri được các ngành, cấp quan tâm xử lý, giải quyết thấu đáo nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Cùng với đó, Hội đồng nhân dân thành phố còn tăng cường trách nhiệm giám sát thông qua phiên chất vấn, giải trình tiến độ thực hiện các nội dung chất vấn tại kỳ họp trước. Đây là hình thức giám sát trực tiếp rất quan trọng, hiệu quả tại các kỳ họp, là dịp để Hội đồng nhân dân các cấp xem xét việc giải quyết những vấn đề bức xúc tại địa phương và đại biểu Hội đồng nhân dân thực hiện chức năng nhiệm vụ, thể hiện chính kiến và trách nhiệm của mình trước cử tri. Nội dung chất vấn được tổng hợp từ các đề xuất của đại biểu thông qua hoạt động giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri hoặc được lựa chọn từ những vấn đề dân sinh bức xúc, đang được dư luận quan tâm.
Bà Mạc Thị Thìn (71 tuổi, giáo viên về hưu, trú phường Tứ Liên, quận Tây Hồ) là người thường xuyên theo dõi các phiên chất vấn của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội tại các kỳ họp. Bà đặc biệt quan tâm tới phần trả lời chất vấn của lãnh đạo các cơ quan tố tụng như: Công an, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố. Bà Thìn cho biết, đây là những vấn đề liên quan trực tiếp tới tình hình an ninh trật tự, giải đáp nhiều nội dung bức xúc mà dư luận, cử tri và nhân dân quan tâm, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân. Mỗi kỳ chất vấn là dịp để lãnh đạo các cơ quan trên nhìn nhận lại công tác thực thi pháp luật, từ đó rút kinh nghiệm và chấn chỉnh kịp thời những sai sót, vi phạm nếu có.
Bà Thìn đánh giá, cách tổ chức các kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố rất hiệu quả, nhất là việc kết hợp chất vấn với tái chất vấn về kết quả thực hiện kết luận của Chủ tọa và việc thực hiện "lời hứa" của người trả lời chất vấn tại các phiên trước đó. Cách làm này đã thúc đẩy những người đứng đầu nâng cao nhận thức về trách nhiệm quản lý cơ quan, đơn vị, lĩnh vực, ngành mình phụ trách; tăng niềm tin của cử tri và nhân dân với chính quyền.
Bên cạnh các công tác giám sát theo chuyên đề, hoạt động này của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trong thực thi pháp luật cũng được thể hiện rõ nét thông qua các Hội thẩm nhân dân tại các Tòa án. Hội thẩm nhân dân là người được Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố bầu để làm nhiệm vụ xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án; có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế, chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tập thể; bảo vệ tính mạng, tài sản, tự do và nhân phẩm của công dân. Vai trò của Hội thẩm nhân dân trong các Hội đồng xét xử tại tòa án là thực hiện chức năng giám sát hoạt động xét xử, đảm bảo công bằng, minh bạch, hạn chế thấp nhất tình trạng oan sai.
Tiến sĩ Đinh Thế Hưng (Trưởng phòng Tư pháp hình sự, Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đánh giá, trong hội đồng xét xử tại các phiên tòa, vai trò của Hội thẩm nhân dân là bình đẳng với thẩm phán, thể hiện tiếng nói của người dân, ý chí của nhân dân trong từng phán quyết của Tòa. Nhiều hội thẩm đã thể hiện được trình độ, bản lĩnh trong quá trình xét xử thông qua việc đặt câu hỏi thẩm vấn bị cáo, đương sự nhằm làm rõ bản chất vụ việc; trao đổi và bảo vệ ý kiến của mình trong Hội đồng xét xử, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, bảo vệ quyền nhân thân, quyền con người.
Theo Tiến sĩ Đinh Thế Hưng, mặc dù các Hội thẩm nhân dân được trao quyền rất lớn, có vai trò ngang bằng với thẩm phán tại Hội đồng xét xử nhưng đa phần chưa phát huy hết quyền năng này, chưa tương xứng với vai trò theo luật định. Nguyên nhân có thể là do trình độ, kinh nghiệm và bản lĩnh của một số Hội thẩm nhân dân chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đặc biệt, trách nhiệm của Hội thẩm nhân dân đối với nhân dân và cử tri chưa được đề cao đúng mức, vẫn còn sự lơ là, chưa làm tròn trách nhiệm.
Thực tế, công tác giám sát hoạt động thực hiện pháp luật tại các cơ quan tư pháp của Quốc hội và Hội đồng nhân dân được triển khai hiệu quả và được nhân dân tin tưởng, ủng hộ. Trước sự giám sát chặt chẽ này, các cơ quan tố tụng đã tự điều chỉnh, nâng cao trách nhiệm của những người tham gia tố tụng, phối hợp thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, bảo vệ quyền của người dân, giảm thiểu thấp nhất những trường hợp bị oan sai.
Bài 4: "Sợi chỉ đỏ" phòng chống oan sai