Đón 12-13 triệu lượt khách quốc tế là khả thi
Tại cuộc họp báo, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy khẳng định, đến cuối năm nay, du lịch Việt Nam hoàn toàn có thể đón 12-13 triệu lượt khách.
Ông Phạm Văn Thủy cho biết: "Đến nay, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã vượt 111% so với kế hoạch đề ra là hơn 8 triệu. Khách quốc tế đến nước ta theo mùa bắt bầu từ tháng 10 năm nay đến tháng 4 sang năm, lượng khách đến cũng sẽ nhiều hơn các thời điểm khác trong năm. Do đó, chúng ta cần tăng chỉ tiêu để tạo đà phấn đấu cho những năm tiếp theo".
Gần đây, chính sách visa của Việt Nam đã rất cởi mở, hợp tác song phương với các nước trên thế giới đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đón khách quốc tế. Thêm vào đó, Việt Nam đang trong quá trình chấn hưng văn hóa nên tất cả các di tích, di sản đều trở thành tài sản, có thể xây dựng nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, chuyên biệt, tạo sức hấp dẫn với khách quốc tế. Các thị trường truyền thống, thị trường gần cũng đã phục hồi tương đối tốt. Do đó, có thể khẳng định việc nâng mục tiêu đón khách quốc tế lên 12-13 triệu lượt là hoàn toàn khả thi, sẽ mở ra tiền đề cho năm 2024-2025, định hướng để vượt chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, từ đầu năm đến nay du lịch nước ta phục hồi rất nhanh chóng. Đặc biệt trong 3 tháng 7, 8 và 9 đã đón liên tiếp hơn 1 triệu lượt khách quốc tế mỗi tháng.
Cụ thể, tháng 9/2023, nước ta đón trên 1,05 triệu lượt khách quốc tế. Tính chung 9 tháng qua, tổng lượng khách quốc tế đạt 8,9 triệu lượt; khách nội địa trong 9 tháng đạt 93,5 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch 9 tháng của năm ước đạt 536,5 nghìn tỷ đồng. Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất trong 9 tháng qua với gần 2,6 triệu lượt (chiếm 29% tổng lượng khách). Ở châu Âu, 3 thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam gồm: Anh (187 nghìn lượt), Pháp (155 nghìn lượt) và Đức (142 nghìn lượt); xếp sau là thị trường Nga với 88 nghìn lượt...
Thị trường truyền thống Trung Quốc đạt tỷ lệ phục hồi 28%. Ở thời điểm trước dịch COVID-19, Trung Quốc chiếm gần 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Giai đoạn 2015- 2019, lượng khách Trung Quốc đến nước ta tăng 3,3 lần (từ 1,78 triệu lượt lên 5,8 triệu lượt).
Ngành du lịch sẽ bước vào mùa cao điểm du lịch quốc tế trong những tháng cuối năm, tận dụng cơ hội từ chính sách miễn thị thực, thị thực điện tử. Ngành kỳ vọng lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới.
Tránh dàn trải, cào bằng khi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa
Liên quan đến chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính Lê Hồng Phong nêu rõ: Chương trình nhằm triển khai thực hiện các quan điểm, Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về chấn hưng, phát triển văn hóa xây dựng con người Việt Nam.
Kết luận số 42-KL/TW về kinh tế xã hội năm 2022-2023 (Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành) có nêu việc triển khai chương trình quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2022-2030. Nghị quyết số 68/2022/QH15, Nghị quyết số 572/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV tiếp tục giao Chính phủ xây dựng Chương trình hoặc chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2022-2030 trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Tại Hội thảo Văn hóa 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nêu nhiệm vụ cần sớm xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa.
Theo ông Lê Hồng Phong, Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa sẽ cụ thể hóa các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phát triển văn hóa của đất nước; nâng cao, tiếp nối các nhiệm vụ về phát triển văn hóa tại các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu, chương trình, đề án, dự án giai đoạn trước và đang triển khai.
Chương trình cũng sẽ góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn cấp bách của văn hóa trong thời kỳ mới; thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ, phát triển văn hóa bền vững. Quan điểm tiếp cận đầu tiên khi thiết kế chương trình là ưu tiên những vấn đề trọng tâm, trọng điểm để đầu tư, tránh dàn trải, cào bằng.
Về việc chi trả tiền thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, ông Lê Hồng Phong cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ, khẩn trương thực hiện các nội dung liên quan. Hiện nay, toàn bộ thủ tục liên quan đến vấn đề tiền thưởng của Giải thưởng đã hoàn thành.
Hoàn thiện thủ tục pháp lý để hồi hương ấn vàng
Tại cuộc họp báo, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Lê Thị Thu Hiền thông tin về hành trình hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”. Bà cho biết: Từ tháng 10/2022 đến nay, các đơn vị chức năng đã khẩn trương thực hiện nhiều biện pháp, thông qua ngoại giao văn hóa, tập hợp hồ sơ pháp lý liên quan, chứng minh nguồn gốc của ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”, đống thời đàm phán, thương lượng để triển khai bước tiếp theo đưa ấn vàng hồi hương.
Phía Việt Nam vừa hoàn thành các thủ tục pháp lý liên quan, trong đó có 2 giấy tờ quan trọng gồm giấy xuất khẩu cổ vật ra khỏi Pháp và giấy xuất khẩu cổ vật ra khỏi châu Âu. Thông qua đại diện phía Việt Nam và luật sư Hãng Million, các hồ sơ pháp lý về ấn vàng cũng như những nội dung liên quan đang được tích cực hoàn thiện trước khi bàn giao ấn về nước, đây cũng là cơ sở để hoàn thành quá trình hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”.
Bà Lê Thị Thu Hiền cũng nêu rõ: Dự kiến cuối tháng 10/2023, các thủ tục liên quan đến giấy tờ pháp lý của việc hồi hương ấn vàng sẽ được hoàn tất, phía Pháp có thể bàn giao ấn vàng lại cho Việt Nam. Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Cục Di sản Văn hóa và các cơ quan liên quan sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý để đưa ấn vàng về nước...