Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao giải A cho tác giả Cao Thùy Giang thuộc Liên Chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN |
Sự kiện lớn của làng báo Việt Nam khai mạc lúc 20 giờ ngày 21/6 nhưng trước đó gần một giờ đồng hồ, đông đảo người làm báo cùng gia đình, bạn bè, người thân đã về sum họp tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Hà Nội.
Sảnh chính nơi diễn ra Lễ trao giải sôi động với sự xuất hiện của nhiều tay máy, cây viết của làng báo khắp ba miền Bắc - Trung - Nam. Những vòng ôm thân thiết, những cái bắt tay thật chặt, bó hoa tươi thắm được bạn bè, đồng nghiệp dành tặng các tác giả đoạt giải làm cho không khí trước thềm buổi lễ thêm ấm áp, thân mật.
Tại đây, phóng viên nhiều cơ quan thông tấn, báo chí cũng tranh thủ tác nghiệp để có những tin, bài, phóng sự chất lượng, kịp thời gửi về tòa soạn đúng trong ngày trọng đại của làng báo. Giữa guồng quay hối hả đó, họ vẫn không quên chúc mừng bạn bè, đồng nghiệp trong ngày vui chung của làng báo.
Trong sự đông đúc, náo nhiệt đó, sự trẻ trung, phong cách chững chạc của nhà báo Thùy Giang, Báo điện tử Vietnamplus (Thông tấn xã Việt Nam) đã thu hút sự chú ý của nhiều người.
Nhìn phóng viên trẻ này, tôi nhớ lại những lời của Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi tại buổi họp báo giới thiệu về Giải rằng ông rất ấn tượng với các giải thưởng của Thông tấn xã Việt Nam năm nay, nhất là chùm tác phẩm “Quản lý giá biệt dược: Làm gì để thị trường thuốc không “nhảy múa”” của tác giả Thùy Giang.
Đến chia vui với Nhà báo Thùy Giang hôm nay có chồng, con cùng rất nhiều đồng nghiệp cùng công tác tại Báo điện tử Vietnamplus. Giang chia sẻ mình được gia nhập gia đình Thông tấn xã Việt Nam cách đây gần chục năm với vai trò biên tập viên của Báo điện tử Vietnamplus.
Sau khi lập gia đình, Thùy Giang được chuyển sang làm phóng viên theo dõi mảng y tế. Giờ đây không còn những bỡ ngỡ ban đầu, Giang đã vững vàng và dần khẳng định được bản lĩnh trong lĩnh vực mình theo dõi.
Là người có duyên với các giải thưởng, Giang chia sẻ, tính cả giải lần này, Giang đã có 13 giải thưởng lớn nhỏ về báo chí, trong đó có 3 giải cấp quốc gia.
Năm nay, Giang nhận giải A Giải Báo chí quốc gia thể loại: Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, tọa đàm, giao lưu trực tuyến (Báo điện tử) với chùm 5 bài: Quản lý giá biệt dược: Làm gì để thị trường thuốc không “nhảy múa”; Biệt dược “tung hoành” trong bảng giá ở các bệnh viện; Biệt dược giá cao: thiếu giám sát, doanh nghiệp “tha hồ” định giá?; “Bệnh nhân nghèo mà vẫn chỉ định dùng biệt dược là tội ác!” và Bài toán đơn thuốc “hoa hồng”: Đừng để “gậy ông đập lưng ông”.
Nhà báo Thùy Giang cho biết: lúc đầu chị không định viết về giá thuốc mà viết về Luật Dược để kịp tính thời sự dịp cuối năm 2015 khi luật này được trình Quốc hội xem xét, ban hành.
Đề tài mà Thùy Giang chọn ban đầu là phát triển công nghiệp dược. Tuy nhiên, càng đi sâu vào tìm hiểu, chị lại phát hiện ra một số bất cập về thuốc và quyết định “bẻ hướng” đề tài.
Khi “bắt” được đúng đề tài, Giang hào hứng hẳn lên, chị “lê la” ở nhiều bệnh viện, cửa hàng thuốc, gặp gỡ với nhiều người bệnh để thu thập thông tin, chụp ảnh, ghi hình.
Phải mất hơn 3 tháng, loạt bài viết mới được hoàn thành, khẳng định sự đầu tư nghiêm túc, công sức, trí tuệ và ý thức trách nhiệm của nhà báo trẻ Thùy Giang.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam kiêm Tổng biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội đồng Giải báo chí Quốc gia Thuận Hữu trao giải C cho tác giả Nguyễn Phương Hoa đến từ Liên Chi hội nhà báo TTXVN. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Thướt tha trong tà áo dài truyền thống, phóng viên Mai Hồng của Hệ Thời sự, Chính trị tổng hợp VOV1 (Đài Tiếng nói Việt Nam) đang chia sẻ những khoảnh khắc đáng nhớ cùng bạn bè, đồng nghiệp.
Hôm nay, một Mai Hồng mềm mại, đằm thắm xuất hiện tại lễ trao giải thay thế cho hình ảnh một phóng viên nhiệt tình, năng nổ nhưng có phần “chân chất” ngày thường.
Sống ở Thủ đô đã lâu, chị vẫn giữ được cốt cách của con người vùng đất Thành Nam văn hiến. Mai Hồng “bén duyên” với nghiệp báo năm 1993 với vai trò phóng viên của Hệ Thời sự, Chính trị tổng hợp VOV1.
Hơn 20 năm lăn lộn với nghề, chị đã có trong tay một “bộ sưu tập” các giải thưởng báo chí. Tuy vậy, chị vẫn luôn coi mình “kém duyên” với Giải Báo chí Quốc gia.
Lần này, tác phẩm “Trọn tấm lòng son, góp kế đổi mới” đoạt giải B thể loại Phát thanh Giải Báo chí Quốc gia năm 2016 khiến chị khá bất ngờ. Chị cho rằng dù chị tâm huyết và rất thích tác phẩm này nhưng đây lại là tác phẩm phỏng vấn, khó có thể cạnh tranh lại được với những loạt phóng sự, những chương trình đồ sộ của các bạn đồng nghiệp.
Chia sẻ kinh nghiệm “rinh” nhiều giải thưởng từ các cuộc thi, nhà báo Mai Hồng cho biết khi thấy có tác phẩm của mình đã phát sóng phù hợp với tiêu chí của giải và chất lượng “được được”, chị dự thi với tinh thần “học hỏi”, “vui là chính”, chứ không cố “săn giải”.
Từ những cuộc thi, chị cũng biết được mình đang ở đâu, để không tự mãn với chính mình. Giải thưởng là phần thưởng tinh thần quý giá để để chị tự dặn mình khi trở lại với công việc thường ngày càng cần cẩn trọng hơn nữa trong từng câu, từng chữ, từng lời nói trước công chúng; suy nghĩ, đầu tư trí tuệ và thời gian nhiều hơn để tìm tòi sáng tạo các tác phẩm có chất lượng cao trong thời gian tới.
“Với tôi mục tiêu lớn lao nhất là làm sao nuôi được ngọn lửa đam mê với nghề, tự vượt lên chính mình, sáng tạo tác phẩm ngày càng hấp dẫn, chất lượng cao để công chúng đồng hành với mình trong mỗi ngày”- chị Hồng tâm sự.
Những ồn ào, náo nhiệt dần lắng xuống, để rồi niềm vui tràn ngập khán phòng lan tỏa trên những nẻo đường, từng góc phố Hà Nội về đêm. Rời khỏi khán phòng sau cùng có lẽ là những cô cậu sinh viên ngành báo.
Các em nán lại cùng những ánh mắt ngưỡng mộ các tác giả đạt giải như muốn gửi lời chúc mừng các anh chị và thầm mong ước trong tương lại không xa mình sẽ có cơ hội nhận giải thưởng danh giá của làng báo Việt.
Một mùa giải thành công đã khép lại. Mỗi người làm báo lại tiếp tục nỗ lực trong công việc để có những tác phẩm chất lượng với hy vọng gặt hái những thắng lợi tại mùa giải tiếp theo.
Liên Chi hội nhà báo, cá nhân nhà báo Thông tấn xã Việt Nam có 5 tác phẩm đoạt giải, trong đó: 01 giải A với tác phẩm “Quản lý giá biệt dược: Làm gì để thị trường thuốc không nhảy múa?” thuộc thể loại Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, tọa đàm, giao lưu trực tuyến (Báo điện tử); 01 giải B với tác phẩm “Cô bé chân voi và cuộc chiến 12 năm kiên cường” thuộc thể loại Phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép (Báo điện tử); 03 giải C với tác phẩm “Cuộc chiến khô - mặn: Nỗi đau “kép” của hàng triệu người nông dân” thuộc thể loại tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, tọa đàm, giao lưu trực tuyến (Báo điện tử); tác phẩm “Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam - Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới” và tác phẩm “Khô hạn và xâm nhập mặn tàn phá Kiên Giang” thuộc thể loại Ảnh báo chí. |