Mặc dù 20 giờ mới chính thức diễn ra lễ trao giải Báo chí quốc gia 2018 nhưng từ rất sớm, tại Cung Văn hóa lao động Hữu nghị Hà Nội đã “nóng” bởi sự xuất hiện của rất nhiều nhà báo. Trên mỗi gương mặt đều toát lên niềm tự hào, hân hoan trong ngày vui, tôn vinh thành quả lao động sáng tạo của những người làm báo cả nước…
Tôn vinh người cầm bút dũng cảm
Giải Báo chí quốc gia năm 2018 tôn vinh các tác giả, nhóm tác giả của 106 tác phẩm báo chí xuất sắc ở 11 loại giải. Trong đó có 6 giải A, 24 giải B, 42 giải C và 34 giải Khuyến khích.
Theo đánh giá của Hội đồng Giải báo chí quốc gia 2018, các tác phẩm đã phản ánh kịp thời, đậm nét các sự kiện chính trị lớn của đất nước năm 2018. Mặt bằng chất lượng chung các tác phẩm đồng đều hơn, nhất là sự vươn lên của các Hội nhà báo tỉnh, thành phố. Nhiều bài có tính phát hiện tốt, phản ánh những vấn đề nóng bỏng, được dư luận quan tâm.
Các tác phẩm được trao giải thưởng được thể hiện bài bản, công phu, chuyên nghiệp mang tính phát hiện, tính phản biện tốt, đi đến tận cùng vấn đề… Nhiều tác phẩm sau khi đăng tải đã có hiệu quả tác động xã hội tốt, được các cơ quan chức năng tiếp thu, giải quyết, dư luận xã hội đánh giá cao về vai trò phát hiện, phản biện, đấu tranh phê phán cũng như biểu dương xây dựng của báo chí.
Tại Giải Báo chí quốc gia năm 2018, Liên chi Hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam giành 5 giải thưởng ở 2 thể loại: Giải Ảnh đơn, phóng sự ảnh, nhóm ảnh; Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, tọa đàm, giao lưu trực tuyến (Báo điện tử).
Cụ thể, ở thể loại Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, tọa đàm, giao lưu trực tuyến (Báo điện tử) có 1 giải A, 1 giải B và 1 giải C đều thuộc về các tác giả, nhóm tác giả của Báo Điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam). Trong đó tác phẩm: “Tội ác dưới những tán rừng xanh…” của tác giả Võ Mạnh Hùng (Hùng Võ) giành giải A; tác phẩm “Họ hy sinh cho nước bạn hồi sinh” của nhóm tác giả Trần Chí Hùng, Trần Ngọc Long, Danh Chanh Đa, Phan Minh Hưng, Phạm Mỹ đoạt giải B; tác phẩm “Đường sắt Bắc Nam - Những niềm vui, những hy sinh và bao điều trăn trở” của nhóm tác giả Trần Sơn Bách, Lê Minh Sơn, Phan Hải Tùng Lâm, Đỗ Mạnh Hùng, Lã Ngọc Sơn đoạt Giải C.
Hai giải thưởng còn lại của Thông tấn xã Việt Nam là ở thể loại ảnh, gồm: “Lai Châu tan hoang sau cơn lũ dữ” của tác giả Quý Trung, phóng viên thường trú tại Lai Châu và tác phẩm “Xâm thực biển, sạt lở đe dọa nghiêm trọng Đồng bằng sông Cửu Long” của tác giả Lưu Trọng Đạt, phóng viên Ban biên tập Ảnh.
Nhà báo Võ Mạnh Hùng, Báo Điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam) cho biết: Anh và các cộng sự thực hiện loạt bài “Tội ác dưới những tán rừng xanh” thực sự là một cuộc “đột kích” vào sào huyệt của các điểm nóng phá rừng tự nhiên khủng khiếp nhất. Đó cũng là chuyến tác nghiệp kéo dài gần một năm trời, biết bao mồ hôi và cả máu đã đổ xuống.
Võ Mạnh Hùng là phóng viên theo dõi mảng tài nguyên môi trường. Anh đã dành thời gian, tâm sức cộng với sự trợ giúp của một nhóm chuyên gia lên kế hoạch thực hiện một tuyến bài chuyên sâu nhằm làm rõ toàn bộ hiện trạng, nguyên nhân, những lỗ hổng khiến rừng “chảy máu.” Từ đó, bài viết đưa ra các giải pháp, hiến kế mới để “cứu” rừng xanh, bảo vệ đại ngàn.
Để thực hiện loạt bài, Võ Mạnh Hùng đã dành nhiều tháng đi thực địa, tiếp cận các “điểm nóng” phá rừng trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Quảng Bình, Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Bình Định (đây là những địa phương thường xuyên xảy ra tình trạng phá rừng). Anh điều tra, làm việc với các cấp chính quyền, lực lượng chức năng từ địa phương đến Trung ương để tìm ra những “lỗ hổng” của Luật, vướng mắc từ cơ chế chính sách, bất cập trong quản lý đã tạo kẽ hở cho “tội ác” dễ dàng tồn tại dưới những tán rừng xanh trong suốt thời gian dài.
Để tiếp cận hiện trường, thu thập được nhiều tư liệu, hình ảnh, thước phim rõ nét nhất, nhà báo Võ Mạnh Hùng đã phải vào vai người đi hái nấm lim xanh, đi săn thú, thuê thuyền đánh cá của ngư dân quanh vùng lòng hồ thuỷ điện từ tờ mờ sáng. Có chuyến đi về, hai bàn chân anh đổ máu, nham nhở vết cắn của loài vắt… Sau chuyến đi ấy, nhà báo Võ Mạnh Hùng đã phải nhập viện điều trị hơn nửa tháng do nhiễm khuẩn máu, trong đó có đến 10 ngày sốt cao tới 39,8 độ C…“Đây là một tuyến bài đổ nhiều mồ hôi và cả máu nhất từ trước đến nay của tôi” - nhà báo Võ Mạnh Hùng chia sẻ.
Sau nhiều chuyến đi ấy, đầu tháng 11/2018, loạt bài “Tội ác dưới những tán rừng xanh… Cửa đóng nhưng ruột vẫn rỗng” được đăng tải. Loạt bài được thể hiện theo hình thức Mega-story. Ngay sau khi loạt bài được đăng tải, nhiều địa phương để xảy ra tình trạng “phá sơn lâm” trên cả nước đã vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng phá rừng. Hàng loạt lãnh đạo, cán bộ Kiểm lâm, Biên phòng bị kỷ luật do buông lỏng quản lý, “tiếp tay” cho "lâm tặc"...
Ấn tượng với tác phẩm điều tra công phu
Năm nay, Giải Báo chí quốc gia tôn vinh các tác phẩm đầu tư công phu, có chiến lược bài bản, tính chuyên nghiệp cao, đặc biệt là ở thể loại tin, bài, phóng sự điều tra.
Tác phẩm “Nano vàng và những cuộc thử nghiệm mờ ám” của nhóm tác giả Nguyễn Thị Hồng, Nguyễn Trọng Hùng, Nguyễn Minh Sơn, Nguyễn Hữu Thắng, Nguyễn Trung Đoàn - Truyền hình Công an nhân dân (thuộc Liên Chi hội Nhà báo Bộ Công an) đã giành giải A - giải thưởng cao nhất ở thể loại phóng sự, ký sự truyền hình và gây ấn tượng mạnh với công chúng.
Nhà báo Nguyễn Văn Long, Trưởng nhóm thực hiện phóng sự cho biết: Đây là loạt phóng sự điều tra tâm huyết của nhóm phóng viên truyền hình Công an nhân dân (ANTV). Nhóm phóng viên phải mất 2 năm 2017 - 2018 để thực hiện loạt phóng sự này.
Đầu năm 2017, các phóng viên của Truyền hình Công an nhân dân nhận được nhiều thông tin xung quanh nano vàng- một sản phẩm được quảng cáo trên các diễn đàn dành cho bệnh nhân ung thư tại Việt Nam là “thần dược chữa ung thư”.
Ngày càng có nhiều bệnh nhân ung thư và gia đình họ quan tâm đến sản phẩm, trong khi hiệu quả thực của nano vàng trong điều trị ung thư chưa được kiểm định. Nhóm phóng viên của truyền hình Công an nhân dân quyết tâm đi tìm bằng được câu trả lời. Vậy là sau hơn 2 năm lần theo các đầu mối, bộ mặt lừa đảo của cái gọi là “nano vàng- thần dược chữa ung thư” đã bị vạch trần.
Nhà báo Nguyễn Văn Long kể, để tiếp cận được với những người cung cấp nano vàng, nhóm phóng viên đã tự hóa thân thành nhiều nhân vật khác nhau, trong đó có vai người nhà bệnh nhân ung thư để từng bước tiếp cận các manh mối, đưa sự việc ra ánh sáng.
Trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là tiếp cận nhân vật, tiếp cận đường dây mua-bán nano vàng do các đối tượng luôn cảnh giác cao độ. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ giúp đỡ nhiều mặt của lãnh đạo Cục Truyền thông Công an nhân dân, với mục tiêu cao nhất là vì cộng đồng bệnh nhân ung thư, tất cả ekip đã theo đuổi đến cùng và quyết tâm đưa ra công luận những thông tin chân thực nhất.
Đại tá Nguyễn Quang Vinh, Phó cục trưởng Cục Truyền thông Công an nhân dân cho biết, anh em phóng viên trong quá trình điều tra luôn tâm niệm là phải có trách nhiệm với xã hội, phải làm đến cùng, không vì bất cứ lý do hay vướng mắc nào mà bỏ cuộc.
Anh em phóng viên tiếp cận thông tin và thu thập tư liệu, mỗi khi có vướng mắc Cục đều đứng ra làm giải quyết. “Theo tôi, đó là trách nhiệm cần có của lãnh đạo cơ quan báo chí khi làm điều tra chứ không chỉ tung phóng viên vào và bỏ mặc anh em trong những tình huống khó khăn”, Đại tá Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh.
Thể loại ảnh báo chí còn khiêm tốn
Ở mùa giải năm nay, thể loại Giải Ảnh báo chí có phần khiêm tốn khi chỉ có 7 tác phẩm được chọn lựa vào vòng chung khảo. Hội đồng Chung khảo không chọn được tác phẩm trao giải A mà chỉ có 1 giải B, 4 giải C và 1 giải Khuyến khích.
Có mặt tại lễ trao giải, nhà báo Quý Trung, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú lại Lai Châu - tác giả của tác phẩm “Lai Châu tan hoang sau cơn lũ dữ” chia sẻ, anh vô cùng hạnh phúc khi biết tin đoạt Giải C.
Nhà báo Quý Trung nhớ lại: Đó là vào đêm 23 rạng sáng 24/6/2018, trên địa bàn tỉnh Lai Châu xảy ra mưa lớn kéo dài, gây ra trận lũ lịch sử lớn nhất từ trước tới nay. Mưa to khiến nước lũ đổ về, nhiều nơi bị sạt lở nghiêm trọng. Khi nhận được tin bản Chu Va 12, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, trên Quốc lộ 4D nối tỉnh Lai Châu với tỉnh Lào Cai và các tỉnh khác bị sạt lở nghiêm trọng. Nước ở dòng suối Chu Va dâng cao rất nguy hiểm, được sự phân công của lãnh đạo, anh nhanh chóng lên đường đến Chu Va. Chứng kiến cảnh tượng tan hoang do lũ tại bản Chu Va khiến nhiều người mất tích, tài sản hư hỏng nặng… nhà báo Quý Trung rất xúc động. Anh tranh thủ tác nghiệp, vừa quay phim vừa chụp ảnh ghi lại sự tàn phá khốc liệt của trận lũ. Có nơi đường bị sạt lở, nhà báo Quý Trung đã để xe máy bên đường và đi bộ gần 2 km vào tận nơi tác nghiệp.
“Lúc đó, trên người tôi mang theo cả máy quay và máy ảnh. Trời mưa to, tôi vừa tự che ô cho mình, vừa quay phim, chụp ảnh. Để có những bức ảnh, thước phim phản ánh thực tế cảnh đổ nát tan hoang, tôi phải băng qua những bãi bùn lầy đến đầu gối, có chỗ ngập đến tận thắt lưng. Sau khi đã tác nghiệp xong, tôi che ô để xử lý thông tin, hình ảnh ngay bên vệ đường. Vì nơi đó sóng 3G quá yếu, không thể gửi hình ảnh về cơ quan, tôi lại phải phóng xe ra tận thị trấn Tam Đường mới gửi được thông tin cũng như hình ảnh về cơ quan”, nhà báo Quý Trung chia sẻ. Trong quá trình tác nghiệp, nhà báo Quý Trung suýt gặp tai nạn khi hàng ngàn mét khối đất đá bị sạt lở đổ xuống ngay chỗ anh vừa đứng chưa đầy 1 phút.
Nhà báo Quý Trung tâm sự, đã gần 1 năm trôi qua kể từ sau cơn lũ, nhưng mỗi khi nghĩ lại, những cảm xúc về chuyến tác nghiệp đó vẫn còn nguyên vẹn. Vất vả, khó khăn như vậy để có những tác phẩm ảnh chất lượng, nhưng khi nói về giải thưởng, anh Quý Trung lại rất khiêm tốn: “Tôi nghĩ, đó là sự may mắn, bởi trong hoàn cảnh đó, bất cứ phóng viên ảnh nào đi phản ánh về mưa lũ cũng có thể làm được, thậm chí còn làm tốt hơn hơn tôi”.
Tôn vinh những thể nghiệm báo chí mới
Ở giải năm nay, một số đài địa phương đã mạnh dạn đưa thể nghiệm mới vào nghiệp vụ báo chí và khá thành công, được Hội đồng Giám khảo đánh giá cao. Một trong số đó là tác phẩm: "Bông mai trắng" và cuộc chiến với "quả cầu gai" của nhóm tác giả Nguyễn Thị Hồng Nhung (Hồng Nhung), Nguyễn Quang Vụ (Quang Vụ) của Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố Hải Phòng ở thể loại phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký phát thanh.
Tác phẩm "Bông mai trắng" và cuộc chiến với "quả cầu gai" là câu chuyện của chị Quách Thị Tuyết Mai ở huyện An Dương, thành phố Hải Phòng, bị nhiễm HIV từ chồng. Qua 15 năm chiến đấu với căn bệnh thế kỷ và 13 năm một mình lẻ bóng nuôi con, chị Mai đã phải vượt qua những cú sốc lớn về tinh thần, khó khăn về kinh tế, đối mặt với sự kỳ thị của xã hội và diễn biến khó lường của bệnh tật… để vươn lên, có được cuộc sống hạnh phúc.
Nhà báo Nguyễn Thị Hồng Nhung cho biết, trước sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội, có phần lấn át các loại hình báo chí truyền thống như báo in, báo nói, báo hình, để duy trì, giữ được chỗ đứng trong công chúng thì buộc báo chí truyền thống phải tự đổi mới toàn diện về mọi mặt, đặc biệt là ở cách thức thể hiện.
Chính vì vậy, khi thực hiện phóng sự “Bông mai trắng” và cuộc chiến với “quả cầu gai”, Hồng Nhung đã chọn cách thể hiện của phóng sự phát thanh hiện đại, không có lời dẫn, lời kết nối, người viết không xuất hiện trong suốt quá trình diễn ra câu chuyện. Toàn bộ phóng sự đều là lời của nhân vật và các nhân chứng, cùng với tiếng động, âm nhạc… đã mang đến cho thính giả một trải nghiệm hoàn toàn mới về một tác phẩm báo chí phát thanh.
“Với cách thể hiện này, tôi muốn thính giả thấy như họ đang được xem một cuốn phim tài liệu nghệ thuật bằng âm thanh một cách chân thực, sống động nhất”, nhà báo Hồng Nhung chia sẻ.
Vẫn còn nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc, nhiều câu chuyện hấp dẫn đằng sau mỗi tác phẩm đoạt giải. Mỗi câu chuyện mà các nhà báo chia sẻ đều cho thấy sự vất vả, dấn thân, sự đương đầu với những khó khăn, thử thách, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng trong quá trình tác nghiệp của các nhà báo để có được sản phẩm báo chí chất lượng, mang hơi thở cuộc sống và thời đại. Những tác phẩm báo chí công phu đó không chỉ phản ánh những vấn đề nóng của xã hội, mà nó còn tác động mạnh đến xã hội, hình thành dư luận tốt, góp phần tạo sự chuyển biến trong xã hội...