Tham gia cuộc gặp mặt có Đại sứ Việt Nam tại CHLB Đức Vũ Quang Minh; lãnh đạo một số đơn vị có liên quan của Bộ Khoa học và Công nghệ; một số Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố; lãnh đạo một số trường đại học lớn ở Việt Nam; lãnh đạo Bệnh viện Quân y 108, cùng hơn 20 nhà khoa học gốc Việt đang làm việc trong các trường đại học và các doanh nghiệp nổi tiếng của Đức, chủ yếu trong các lĩnh vực y tế, công nghệ thông tin và môi trường.
Phát biểu khai mạc cuộc gặp mặt, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt khẳng định trong những năm qua, người Việt Nam ở nước ngoài và các trí thức kiều bào đã luôn hướng về Tổ quốc, sát cánh cùng dân tộc và cộng đồng khoa học - công nghệ trong nước đóng góp to lớn và thiết thực cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Đội ngũ hơn 500.000 trí thức kiều bào ở nước ngoài với nhiều người giữ vị trí quan trọng trong các viện nghiên cứu, trường đại học, tập đoàn kinh doanh có uy tín trên thế giới là nguồn nhân lực khoa học quý báu cho đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, trong đó có nhiều đóng góp quan trọng của Cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam tại Đức.
Bộ trưởng khẳng định Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá cao nỗ lực khắc phục khó khăn sau đại dịch COVID-19 của các các nhà khoa học Việt Nam tại Đức trong khôi phục và đẩy mạnh các hoạt động học tập, nghiên cứu và trao đổi học thuật. Các hoạt động này đã làm tăng độ gắn kết, chia sẻ và hỗ trợ nhau trong học tập, nghiên cứu và sáng tạo khoa học - công nghệ trong cộng đồng. Cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam tại Đức luôn là một tập thể mạnh và đoàn kết, là một bộ phận không tách rời của cộng đồng trí thức người Việt Nam tại nước ngoài đã và đang có những đóng góp to lớn vào sự phát triển khoa học - công nghệ của nước nhà, đồng thời góp phần đẩy mạnh hợp tác hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam và Đức.
Trên tinh thần trao đổi thẳng thắn về những vướng mắc và đề xuất giải pháp khắc phục trong quá trình hợp tác về khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ giữa các đối tác Việt Nam và Đức, các nhà khoa học gốc Việt đã nêu lên nhiều vấn đề liên quan đến hành lang pháp lý, các cơ chế hỗ trợ tài chính và các chính sách thu hút trí thức Việt kiều.
Đồng tình với phát biểu của nhiều nhà khoa học Việt kiều tham dự cuộc gặp mặt, Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Nguyễn Xuân Thính, Trưởng nhóm nghiên cứu tại Đại học TU Dortmund, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp hội người Việt Nam tại Đức, đồng thời là Chủ tịch VGInetwork chỉ ra nhiều khó khăn và thủ tục hành chính rườm rà liên quan đến các vấn đề tổ chức hội thảo khoa học quốc tế, chia sẻ dữ liệu... gây khó khăn cho tăng cường hợp tác và trao đổi học thuật.
Một số nhà khoa học cũng đề xuất việc cho phép chia sẻ dữ liệu quốc gia trong lĩnh vực hợp tác nghiên cứu quốc tế vì nó giúp nâng cao được mô hình toàn cầu và uy tín quốc tế của Việt Nam.
Các nhà khoa học gốc Việt cũng đề cập đến vấn để quản lý sản phẩm nghiên cứu sau khi dự án nghiên cứu hoàn tất và đề xuất các sản phẩm, kết quả nghiên cứu, các thiết bị phục vụ nghiên cứu cần được công bố công khai và chia sẻ rộng rãi, kể cả với giới doanh nghiệp để làm tăng tính hiệu quả của nghiên cứu, tránh lãng phí.
Trả lời những câu hỏi của các nhà khoa học gốc Việt về cơ chế thu hút nguồn lực của giới học giả, trí thức Việt Nam ở nước ngoài, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt khẳng định Bộ Khoa học và Công nghệ luôn quan tâm và xây dựng những hành lang pháp lý thuận lợi để các nhà khoa học Việt Nam ở trong và ngoài nước tham gia vào hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Bộ Khoa học và Công nghệ trân trọng sự tham gia đóng góp tri thức và trí tuệ của các nhà khoa học cho hoạt động khoa học - công nghệ ở quê hương, đối với các chương trình, đề án quốc gia khoa học - công nghệ, các dự án hợp tác nghiên cứu chung với các viện nghiên cứu, trường đại học của Đức; tư vấn, hoạch định chính sách và đào tạo nguồn nhân lực khoa học - công nghệ trong nước, làm cầu nối khai thông và mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức khoa học - công nghệ của Đức.
Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan trong quá trình xây dựng, triển khai các cơ chế, chính sách, thúc đẩy các hoạt động thu hút, khuyến khích các trí thức, chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài nói chung và ở Đức nói riêng đóng góp cho sự nghiệp khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững đất nước.
VGI Network được ra mắt ngày 14/09/2019, đúng vào ngày sinh nhật lần thứ 250 của nhà bác học vĩ đại, toàn năng và kiệt xuất Alexander von Humboldt tại hội trường lịch sử của trường đại học mang tên ông. Mục đích của VGI Network là tham gia thúc đẩy nền khoa học - công nghệ Việt Nam với những đóng góp của các chuyên gia Việt hay gốc Việt tại Đức. VGI Network là một đầu mối để kết nối, trao đổi và hợp tác giữa các chuyên gia, nhà khoa học đang sống và làm việc tại Việt Nam và Đức.
Hiện có khoảng 8.000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường đại học và nhiều chuyên gia, nhà khoa học gốc Việt làm việc ở các trường đại học, viện nghiên cứu và tập đoàn nổi tiếng trên thế giới như Volkswagen, SAP, Mercedes-Benz-Group, Siemens, BOSCH v.v... Trong hầu hết các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, khoa học hiện đại của Đức đều có chuyên gia người Việt Nam tham gia nghiên cứu và làm việc. Nguồn lực tri thức này là vốn quý cho đất nước Việt Nam vì các chuyên gia được đào tạo rất cơ bản, tốt cả về lý thuyết và thực hành và được làm việc trong môi trường phát triển, hiện đại, cạnh tranh mạnh và thông tin cập nhật.